Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước" (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) - Giải nhất Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024. (Ảnh DƯƠNG THÙY)
Mới đây, tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam gây bất ngờ khi xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ nặng ký là các đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp để thắng lớn. Để có được kết quả này là một hành trình không đơn giản với các học sinh nhà trường và các thầy cô giáo của họ.
Gian nan ươm mầm cho nghệ thuật xiếc
Trong 10 giải thưởng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đoạt 1 giải nhất (tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước"), 2 giải nhì (các tiết mục đu quăng lưới bật đạp người "Đối lập" và dây lụa "Nỗi oan Thị Kính"); cùng giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng.
Bên cạnh đó, tiết mục xiếc thú tổng hợp "Phiên chợ Ba Tư" của trường được nhận giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; một số diễn viên của trường được Liên chi hội Xiếc Việt Nam trao giải Diễn viên triển vọng và Diễn viên trẻ xuất sắc. Đây là thành quả đánh dấu những nỗ lực trong dạy và học của thầy, trò nhà trường, đồng thời cũng khẳng định những bước tiến trong công tác đào tạo nhân lực ngành xiếc.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, ngay khi quyết định tham dự cuộc thi, nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng. Các thầy, cô sẵn sàng dạy phụ đạo miễn phí ngoài giờ cho học sinh.
Chương trình dự thi được đầu tư dàn dựng theo hướng là tác phẩm nghệ thuật, với sự kết hợp của nhiều yếu tố: kỹ thuật động tác, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc..., thay vì chỉ là một tiết mục biểu diễn thông thường.
Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng cho biết, để tuyển và đào tạo được các tài năng xiếc trẻ là hành trình không đơn giản. Mặc dù là đơn vị duy nhất đào tạo diễn viên biểu diễn xiếc và tạp kỹ của cả nước, nhưng mỗi năm trường chỉ tuyển được khoảng vài chục học sinh. Con số năm nay là 48 em, khả quan hơn nhiều so với chỉ tiêu trung bình các năm trước là 35 em.
Để có được số học sinh này, nhà trường đã phải tổ chức sơ tuyển với sự tham gia của khoảng hơn 10.000 thí sinh, từ đó chọn ra 400 em, tiếp tục sàng lọc dần qua các vòng tiếp theo và con số cuối cùng chỉ còn khoảng 10%, tức hơn 40 em trúng tuyển.
Lăn lộn qua nhiều mùa tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nhận định, rào cản lớn nhất với đơn vị đào tạo là tìm được những học sinh ở độ tuổi 11 có hứng thú với nghệ thuật xiếc. Công nghệ số đang rất phát triển, nhưng các em còn quá nhỏ để có thể tự lên mạng tìm hiểu thông tin về cơ sở tuyển sinh, chế độ học tập...
Do đó, hình thức tuyển sinh hiện nay nhà trường vẫn phải áp dụng là đến tận trường học của các em. Năm vừa qua, trường đã tiếp cận hàng trăm trường học, tổ chức biểu diễn để học sinh có cảm nhận trực quan với xiếc, từ đó yêu thích và có mong muốn được theo học, sau đó lại phải tìm cách để thuyết phục bố mẹ các em đồng ý...
Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Lê Thắng phân tích, trên thực tế, rất ít phụ huynh sẵn sàng cho con em mình theo xiếc nếu không có sự quan tâm từ trước. Bởi trong khi các ngành học khác chỉ cần 18 tháng đã có thể tốt nghiệp trung cấp thì xiếc cần tới ít nhất 5 năm đào tạo mới có bằng tương đương.
Với bằng này, các em chỉ được nhận mức lương của diễn viên hạng 4. Thời gian đào tạo dài, phải khổ luyện vất vả, phải chấp nhận đối diện nhiều nguy hiểm, rủi ro, nhưng thời gian làm nghề ở thời kỳ đỉnh cao lại ngắn..., vô vàn khó khăn cộng lại khiến "bài toán" tìm nguồn nhân lực cho ngành xiếc càng khó tìm ra lời giải.
Chuyên nghiệp hóa trong quản lý, sử dụng diễn viên
Thực tế cho thấy, nhu cầu giải trí nói chung, thưởng thức nghệ thuật xiếc nói riêng của người dân ngày càng tăng cao. Không chỉ các đơn vị biểu diễn xiếc chuyên nghiệp mà ngay các doanh nghiệp tư nhân như công ty tổ chức sự kiện, khu du lịch… cũng muốn tuyển dụng diễn viên xiếc.
"Cầu" nhiều, nhưng "cung" lại hạn chế, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực xiếc kế cận luôn thường trực. Điều này thậm chí xảy ra cả ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nơi được coi là "cánh chim đầu đàn" của nghệ thuật xiếc Việt Nam.
Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, lâu nay, nguồn diễn viên xiếc của liên đoàn trông chờ chủ yếu vào các học sinh được đào tạo chuyên nghiệp từ Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, song gần đây, liên đoàn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng "đầu vào", do khó cạnh tranh với mức thu nhập mà các doanh nghiệp bên ngoài đưa ra. Đây cũng là lý do khiến nguồn nhân lực biểu diễn tại liên đoàn đang rơi vào tình trạng già hóa.
Trong tổng số 160 công chức, viên chức, người lao động tại liên đoàn, có khoảng 120 người là diễn viên. Có những diễn viên đã sinh 3 con, thậm chí tuổi đã cao cũng vẫn đang biểu diễn trên sân khấu. "Trong lúc thiếu vắng lực lượng trẻ kế cận, chúng tôi phải tìm cách sử dụng nhân lực một cách uyển chuyển nhất có thể để tận dụng tối đa nguồn lao động hiện có. Một số nghệ sĩ tuổi nghề đã cao, không còn đáp ứng được yêu cầu luyện tập ở cường độ cao sẽ được sắp xếp vào các vị trí đỡ tốn sức lực hơn như múa minh họa, dẫn chương trình...
Chúng tôi cũng định hướng diễn viên phải tập luyện đa năng. Nếu như trước đây, mỗi diễn viên chỉ cần thuần thục một tiết mục thì giờ được yêu cầu phải diễn được nhiều tiết mục, thể loại khác nhau. Điều này vừa kích thích cảm hứng sáng tạo, vừa giúp tăng thu nhập cho diễn viên, và cũng tránh được tình trạng lãng phí nhân lực", Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sau khi được đào tạo nhiều năm trong trường, các diễn viên muốn tiếp tục phát triển, trau dồi tài năng, có cơ hội tỏa sáng ở những sân khấu lớn trong nước, quốc tế thì cần "đầu quân" cho những đơn vị xiếc chuyên nghiệp.
Nhưng thực tế, vì nhu cầu thu nhập, không ít diễn viên xiếc trẻ lựa chọn công việc như những "công nhân nghệ thuật" ở các đơn vị tư nhân, đôi khi chỉ là đi cà kheo, biểu diễn những tiết mục đơn giản trong vai trò hoạt náo viên. Thậm chí, có những tài năng đã được đào tạo, phát triển tại liên đoàn cũng khó tránh khỏi cám dỗ trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền.
Đây là điều vô cùng đáng tiếc, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để chuyên nghiệp hóa việc quản lý, sử dụng diễn viên ngành xiếc, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Để chủ động tạo nguồn diễn viên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về phối hợp đào tạo có địa chỉ. Theo đó, liên đoàn cùng tham gia đầu tư cho các tiết mục của học sinh trong năm cuối để khi tiết mục hoàn chỉnh sẽ được liên đoàn đưa vào sử dụng ngay.
Có những nhóm biểu diễn đã ra được tiết mục nhưng vì lý do nào đó 1 hay 2 thành viên rời nhóm, thì liên đoàn cũng tạo điều kiện hỗ trợ những người còn lại dàn dựng tiết mục mới để có thể đưa họ lên sân khấu biểu diễn một cách nhanh nhất…
Hiện nay, liên đoàn đang lên kế hoạch mở các câu lạc bộ dành cho những em nhỏ có hứng thú với nghệ thuật nói chung, nghệ thuật xiếc nói riêng. "Được làm quen với xiếc, tiếp xúc và học tập cùng những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp, các em sẽ được bồi đắp tình yêu với nghệ thuật xiếc từ nhỏ. Chúng tôi cũng hy vọng từ đây sẽ tìm ra được những tài năng nhỏ tuổi để có kế hoạch đào tạo chuyên nghiệp, tiến tới tuyển dụng khi các em đủ tuổi.
Thời gian qua, liên đoàn cũng đã kết nối với Ban tổ chức Cuộc thi Tài năng Xiếc trẻ của Nga để đưa các tài năng nhí 8-13 tuổi của Việt Nam đi biểu diễn, giúp các em có cơ hội làm quen với những sân khấu xiếc lớn của thế giới và nuôi dưỡng đam mê với nghệ thuật xiếc.
Tuy nhiên, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đánh giá đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, muốn tạo môi trường phát triển chuyên nghiệp, bền vững cho nghệ thuật xiếc, vẫn cần có những cơ chế đặc thù, chính sách đãi ngộ xứng đáng, để cho các nghệ sĩ yên tâm tập luyện, cống hiến, bởi chỉ như thế Việt Nam mới có được thế hệ nghệ sĩ xiếc tài năng.
Cũng theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, nhìn ở tầm vĩ mô, cần xây dựng một hệ sinh thái để nghệ thuật xiếc phát triển. Liên đoàn sẵn sàng hỗ trợ về mặt chuyên môn để khôi phục trở lại hoạt động của các đoàn xiếc gia đình, các đơn vị xiếc trong các trung tâm biểu diễn của địa phương. Họ sẽ tham gia vào các sân chơi, cuộc thi, mang đến cơ hội để xiếc Việt tìm kiếm những nhân tố mới, triển vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết