Bản Chương là nơi nhiều đồng chí cán bộ cách mạng cấp cao hoạt động từ năm 1944 đến 1949. Đặc biệt, vào năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại đây trong thời gian 17 ngày (từ ngày 16-5-1949 đến ngày 1-6-1949). Tại Bản Chương, Bác đã ở tại nhà ông Hà Văn Thịnh và bà Ma Thị Thúy. Ngôi nhà ấy sau ông Hà Văn Tung (con trai ông Thịnh) và vợ là bà Lương Thị Tư sinh sống. Ông Tung đã mất, hiện còn vợ là bà Lương Thị Tư năm nay đã ngoài 80 tuổi đang sống cùng người con trai út tại chính mảnh đất có căn nhà năm xưa đã được sửa chữa, xây dựng lại nhiều lần. Bà Tư kể, hồi đấy thấy Bác Hồ và các đồng chí cán bộ đến, cả nhà đã xung phong chuyển ra căn lán gần cánh đồng Bản Chương để ở.
Bản Chương trong thời kỳ Bác Hồ và các đồng chí cán bộ cách mạng ở và hoạt động cách mạng chỉ có 7 hộ dân, người dân khi ấy không biết là Bác Hồ chỉ biết một người mảnh dẻ, mặc bộ quần áo chàm, chòm râu dài, thi thoảng vắt khăn mặt trên vai, trùm khăn trên đầu khi ra ngoài, mọi người trong bản thường gọi Bác là “ông Ké”. Theo lời kể của nhiều thế hệ người dân Bản Chương truyền tai nhau, những ngày Bác sống ở Bản Chương, Bác rất giản dị, gần gũi. Trước ngôi nhà nơi Bác ở có một cây thị rất to, tỏa bóng mát. Sáng ngủ dậy Bác xuống suối rửa mặt, ngồi nghỉ bên cây thị. Bác cũng thăm hỏi bà con về mùa vụ và thăm cánh đồng lúa đang trong vụ gặt hái. Việc làm đó để lại cho người dân nơi đây một ấn tượng và tình cảm sâu đậm đối với cán bộ kháng chiến. Chính vì vậy, người dân Bản Chương luôn có ý thức phải bảo vệ các cán bộ cách mạng, giữ bí mật cho cán bộ cách mạng ở và làm việc.
Bà Lương Thị Tư cùng các con cháu bên bia di tích Bản Chương.
Theo nhiều tài liệu lịch sử còn ghi lại, những năm tháng hoạt động cách mạng tại Bản Chương, Bác Hồ đã có nhiều chỉ đạo và hoạt động quan trọng. Ngày 17-5-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Việt Bắc cho biết lực lượng địch đánh lên Tuyên Quang, quân ta đã phát triển du kích chiến và địa lôi chiến ở dọc sông Lô làm cho địch tổn thất nhiều. Trong thời gian ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết các bài “Cần”, “Kiệm”, gửi đăng trên Báo Cứu Quốc, ký bút danh Lê Quyết Thắng. Người cũng gửi thư đến lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, góp ý kiến nhiệm vụ, mục đích tôn chỉ, đối tượng, nội dung, hình thức của báo chí. Đồng thời chỉ ra những khuyết điểm về nội dung, hình thức, khuyên những người làm báo muốn viết tốt cần phải thế nào? Và nhấn mạnh với báo chí cần thực hiện: Tất cả để chiến thắng.
Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn các cháu nhi đồng đội Thanh Bình (tổ YS - 65) đã gửi thư cho Người. Người mong “Các cháu thi đua nhau: Hoạt động, lập công, học tập và căn dặn các cháu cố gắng lên, ngày Bác cháu ta gặp nhau vui vẻ không xa đâu vì ngày ta hoàn toàn thắng lợi đã đến gần”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên động viên nhân dân sản xuất, thi đua. Người gửi tới đồng bào các tỉnh có đê, biểu dương sự cố gắng chung của toàn thể đồng bào, nhờ đó mấy năm liền đã tránh được nạn lụt... Đến ngày 1-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bản Chương trở lại Khấu Lấu, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Đến Bản Chương hôm nay, ngôi nhà cũ đã không còn, cây thị năm xưa cũng đã già cỗi và chết từ nhiều năm trước nhưng những dấu vết bên dòng suối Chương vẫn còn. Ông Hà Văn Liễu, con trai thứ 2 của ông Hà Văn Tung chia sẻ, mỗi lần nhớ lại những câu chuyện bố kể về Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng là ông lại xúc động. Ông có mong muốn và dự định sẽ trồng một cây thị mới tại chính vị trí cây thị năm xưa như để nhắc nhở thế hệ trẻ sau này thêm trân trọng, ghi nhớ công lao của Người cả cuộc đời vì nước vì non...
Ngay bên cạnh tấm bia di tích đặt tại Bản Chương là ngôi nhà của gia đình bà Lương Thị Tư đang sinh sống. Hàng ngày, bên bếp lửa nồng ấm bà vẫn kể cho các con, các cháu những câu chuyện khi xưa được chồng kể lại, đằng xa tiếng suối Bản Chương chảy róc rách càng làm những câu chuyện như được tái hiện, sống mãi với thời gian.
Có thể nói, Bản Chương là địa danh đã được chứng kiến những ngày tháng làm việc gian nan, vất vả của cán bộ cách mạng, chặng đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pác Bó về Tân Trào. Các giai đoạn lịch sử diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã phản ánh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Bản Chương. Di tích Bản Chương là một minh chứng cho sự đùm bọc, chở che giúp đỡ của đồng bào nơi đây với cách mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết