Băn khoăn từ các liên hoan, cuộc thi sân khấu truyền thống

Diễn ra sôi nổi trong 20 ngày tại thành phố Cần Thơ vừa qua, Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2024 được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở loại hình sân khấu này, từ sự vượt trội về số lượng đơn vị dự thi, tác phẩm và nhân lực tham gia.

Trao Huy chương Vàng cho các vở diễn xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Ðây có lẽ là điều đáng biểu dương bởi trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu và sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, giải trí khác, cũng giống như các kỳ liên hoan, cuộc thi chèo, tuồng, dân ca kịch, cải lương nói riêng và sân khấu truyền thống nói chung vẫn có được chỗ đứng trong lòng một bộ phận công chúng, vẫn duy trì được hoạt động và có được những vở diễn mới thể hiện dấu ấn sáng tạo trong dàn dựng và biểu diễn.

Ðiều đáng ghi nhận là sự tiếp nối của các thế hệ làm nghề, từ tác giả, đạo diễn tới đội ngũ diễn viên, góp phần thổi vào dòng chảy của sân khấu truyền thống những hơi thở thanh xuân mới. Ðặc biệt hơn đã có tới 18 đơn vị xã hội hóa tham gia với nỗ lực của nhiều nghệ sĩ, diễn viên ngoài công lập trong niềm đam mê và tình yêu nghề nghiệp.

Cũng từ danh sách của nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi, công chúng yêu sân khấu dân tộc không khỏi chạnh lòng trước sự thiếu vắng của những thương hiệu nghệ thuật trước đó từng nhận nhiều tình cảm của khán giả, do bị sáp nhập vào các trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố, cho nên không còn cơ hội duy trì. Kéo theo trống trải này là bao băn khoăn về nguy cơ nghiệp dư hóa nghệ thuật sân khấu truyền thống…

Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn còn không ít trăn trở. Có những đơn vị nghệ thuật lâu đời, có tên tuổi và uy tín với giới nghề không thể tham dự, cho dù những sự kiện này là sự chờ mong của giới làm nghề, bởi họ chỉ đôi ba năm mới có dịp quy tụ cùng nhau trong niềm vui được diễn, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nhìn nhận lại một chặng đường phấn đấu hoặc chỉ là có điều kiện dàn dựng, khoe với nhau những vở diễn tâm huyết.

Liên hoan năm nay, Nhà hát Cải lương Việt Nam vắng mặt là một sự hẫng hụt. Không chỉ là “cánh chim đầu đàn” của sân khấu cải lương phía bắc, nhiều năm qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn gây ấn tượng trong các kỳ hội diễn bằng những tác phẩm đạt giải cao, nhiều sáng tạo. Vì thế, thật đáng tiếc khi biết lý do vắng mặt là không đủ kinh phí đưa đoàn đi xa.

Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn tại nhiều kỳ cuộc liên hoan, cuộc thi của sân khấu truyền thống khi những đơn vị xa chỉ có thể cố gắng đưa nghệ sĩ đến dự thi theo đúng lịch rồi lại phải quay về vì không có điều kiện ở lại xem các tác phẩm của đơn vị bạn! Ý nghĩa học hỏi, giao lưu trong ngày hội nghề vì thế mà suy giảm.

Cũng từ danh sách của nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi, công chúng yêu sân khấu dân tộc không khỏi chạnh lòng trước sự thiếu vắng của những thương hiệu nghệ thuật trước đó từng nhận nhiều tình cảm của khán giả, do bị sáp nhập vào các trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố, cho nên không còn cơ hội duy trì. Kéo theo trống trải này là bao băn khoăn về nguy cơ nghiệp dư hóa nghệ thuật sân khấu truyền thống…

Vấn đề nữa là sự chênh lệch rất lớn về chất lượng dàn dựng. Trong khi các nhà hát ở Trung ương hay các thành phố lớn… mang đến những vở diễn được đầu tư quy mô, công phu, thì vẫn có một số đơn vị tham dự với sự chuẩn bị hời hợt, thậm chí là mang cả những vở cũ.

Dường như, các đơn vị mới chỉ quan tâm đến việc diễn viên thủ vai chính hoặc - thứ có thể có được huy chương, còn việc đầu tư cho vở diễn từ khâu chọn kịch bản, ê-kíp sáng tạo, âm nhạc và trang trí để tạo nên một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật cao thì chưa quan tâm đúng mức. Không ít đơn vị còn chọn kịch bản đã được đơn vị khác diễn và đạt giải từ vài chục năm trước, cho nên không tránh khỏi sự cũ kỹ về cả nội dung và hình thức.

Một số vở lại quá sa vào sử dụng công nghệ, đánh mất vẻ đẹp tượng trưng ước lệ của sân khấu truyền thống… Lẽ ra, với tính chất của ngày hội nghề, những vấn đề này cần được thẳng thắn trao đổi, góp ý, rút ra những tích cực, hạn chế để cùng tiến bộ.

Song đáng tiếc, trong khuôn khổ các kỳ cuộc liên hoan, cuộc thi có rất ít những buổi thảo luận hay tọa đàm chuyên môn, dẫn đến mục đích học hỏi kinh nghiệm, tìm ra phương thức mới giúp sân khấu truyền thống tiếp cận đông đảo công chúng hiện đại.

Thêm nữa, dù đã có những vở diễn về đề tài hiện đại nhưng các liên hoan, cuộc thi vẫn chưa khẳng định được sự khởi sắc về kịch bản, cho thấy sân khấu truyền thống nói chung vẫn đang “khát” những tác phẩm mang hơi thở đương đại.

Sau những “nốt trầm” trong các liên hoan, cuộc thi sân khấu truyền thống, vẫn còn đó trăn trở về đường hướng đổi mới trong cách thức tổ chức, sao cho những sân chơi nghệ thuật thật sự trở thành “cú huých” của sáng tạo, không chỉ mang đến những món ăn tinh thần hấp dẫn, mà còn là ngày hội nghề tạo động lực để các nghệ sĩ nỗ lực cống hiến.

Không thể có những mùa giải chất lượng nghệ thuật; không thể nâng tầm sáng tạo nghệ sĩ qua mỗi dấu mốc tranh tài nếu chỉ bằng lòng với lối mòn, mà không đột phá đầu tư về nhân lực, vật lực để không chỉ tìm kiếm những tác phẩm mới gắn liền với cuộc sống hôm nay mà còn thực sự là những “đấu trường” chuyên môn uy tín để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật…, của sân khấu truyền thống nước nhà.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục