Thôn Bản Lục xưa chỉ có 8 hộ đồng bào dân tộc người Dao từ thôn Trung Phìn, xã Sinh Long về định cư. Đồng chí Chúc Tạ Quân, Bí thư chi bộ thôn Bản Lục chia sẻ: Từ 8 hộ dân ban đầu đến nay thôn Bản Lục đã phát triển lên 154 hộ dân với 3 dân tộc sinh sống gồm Dao, Tày, Kinh, trong đó người Dao chiếm tỷ lệ 80%. Với cách làm sáng tạo, đi sâu, đi sát với nhân dân mà hiện nay, thôn Bản Lục đang dẫn đầu xã Đà Vị về tình hình an ninh trật tự, đời sống văn hóa của nhân dân thay đổi. Từ năm 2020 đến nay, thôn không có hộ sinh con thứ 3, số hộ gia đình văn hóa đều đạt trên 95%, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn luôn được giữ vững.
Với vị trí địa lý nằm trên quốc lộ 279, tiếp giáp với nhiều địa phương, thôn xác định rõ giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Tổ công tác mặt trận của thôn đã cắt cử các cán bộ phải là những hạt nhân nòng cốt thường xuyên gần gũi nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân từ đó có những cách tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nhờ công tác dân vận, đến nay bà con thôn Bản Lục vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Ông La Văn Dự, Công an viên thôn Bản Lục cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trong khu dân cư không có ai nghiện ma túy, không có tệ nạn cờ bạc... Có được kết quả đó, hàng tháng, chi bộ, các tổ chức đoàn thể thôn đã họp và tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến nhân dân. Tổ tự quản về an ninh trật từ của thôn đi vào hoạt đông từ cuối năm 2020 với 5 thanh viên, nhưng các thành viên trong tổ luôn bám sát 3 trọng tâm để tuyên truyền đến bà con đó là: Tự quản con người, tự quản tài sản và tự quản thôn xóm bình yên. Qua tuyên truyền người dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, thôn xóm.
Trong những năm gần đây, Bản Lục là thôn có số hộ khá giàu ngày càng nhiều, bà con nơi đây đã đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen, gà ta và đặc biệt là phát triển kinh tế từ rừng trồng. Trung bình trong thôn mỗi hộ có từ 2 đến 3 ha đất trồng xoan, mỡ. Sau chu kỳ trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch số tiền thu về cho mỗi hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Gia đình anh Tướng Văn Sáu hiện là hộ có nhiều rừng nhất thôn với trên 10ha cho biết, là đảng viên phải gương mẫu vươn lên không thể là hộ nghèo mãi. Vì vậy, anh Sáu cùng vợ quyết tâm đầu tư chăn nuôi gà ta và nhận nhiều diện tích rừng để trồng và chăm sóc. Nhờ có sự quyết tâm và chăm chỉ, đến nay thu nhập của gia đình anh mỗi năm từ rừng và chăn nuôi trên 300 triệu đồng. Có được chút vốn trong tay, vợ chồng anh Sáu mở đại lý bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của các hộ dân trong thôn và khách đi đường trên tuyến Quốc lộ 279.
Còn gia đình Bàn Văn Sí hiện có 3ha đất đồi trồng tre lấy măng. Mô hình của anh hiện đang là mô hình điểm của xã về cách làm kinh tế mới. Anh cho biết: Lúc đầu gia đình không có vốn, cũng loay hoay nhiều cây trồng nhưng không thành công, được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, sau đó thấy cây tre hợp thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, có thể lấy măng và lấy lá, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng tre. Hiện nay, từ trồng tre lấy măng, mỗi năm cũng thu nhập trên 100 triệu đồng.
Với đặc thù có người Dao chiếm trên 80% dân số, thôn Bản Lục còn là một trong những điểm sáng của xã Đà Vị và huyện Na Hang về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trang phục dân tộc Dao đỏ của bà con trong thôn luôn được giữ gìn và thường xuyên sử dụng trong những dịp lễ, tết. Làn điệu Páo dung ở đây vẫn luôn được duy trì và phát triển, là những câu hát “cửa miệng” đối với nhiều người. Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông Chúc Tạ Quân, Bí thư chi bộ thôn chia sẻ: Chi bộ luôn xác định muốn nhân dân phát triển kinh tế nhưng song song đó vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ hàng chục năm trước bà con trong thôn đã thành lập đội văn nghệ duy trì thường xuyên 15 thành viên kế cận nhau, lớp già nghỉ thì lớp trẻ nối tiếp.
Ngoài ra, thôn Bản Lục còn được biết đến là thôn đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến khoảng 4.000m2 đất để xây dựng các điểm trường, làm đường bê tông dài trên 3km. Anh Chúc Thanh Ngân là hộ nghèo, nhưng sau khi có chủ trương của thôn là hiến đất để làm đường bê tông nội đồng, anh tự nguyện lùi hàng rào hiến trên 300m2 đất. Anh bảo, việc gì có lợi cho tập thể thì anh tự nguyện tham gia.
Đồng chí Dương Văn Nội, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, Bản Lục hiện đang trở thành điểm sáng của xã về phong trào dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ nhân rộng thêm các mô hình tại nhiều thôn, phấn đấu 2024 xã Đà Vị sẽ về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
Gửi phản hồi
In bài viết