Các đại biểu dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2023 của huyện Hàm Yên. Các giải pháp giải quyết việc làm và đào tạo nghề được triển khai thực hiện, lao động được giải quyết việc làm tăng cả về số lượng và chất lượng; nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống được nâng lên, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2023, huyện đã tổ chức được 4 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của hơn 70 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh; hơn 8.000 lao động được tạo việc làm là ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động; 738 lao động được vay vốn tín dụng ngân hàng để giải quyết việc làm với tổng số gần 42 tỷ đồng.
Báo cáo cũng đã chỉ ra một số hạn chế của huyện như: Công tác chỉ đạo, theo dõi người trong độ tuổi lao động, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động còn hạn chế, chưa sát thực tế; khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà máy chưa phát triển; chất lượng một số lao động còn thấp; công tác đào tạo nghề chưa đa dạng…
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Hàm Yên trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2023.
Đồng chí đề nghị, huyện Hàm Yên rà soát lại các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành về về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nắm chắc đối tượng, nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương; rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề và nhu cầu việc làm của đoàn viên, hội viên và nhân dân để đề xuất với các ngành liên quan mở các lớp dạy nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi đăng ký đi làm việc tại địa phương, tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể phải là tổ chức kết nối, là chỗ dựa, niềm tin cho người lao động…
Gửi phản hồi
In bài viết