Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết

- Dịp Tết nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dân tăng rất cao, đặc biệt là hàng nông sản. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, kiểm soát tất cả các trang trại, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, trọng tâm của đợt kiểm tra trong dịp trước, sau Tết Nguyên đán là các chất tăng trưởng, chất kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi; tồn dư chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản trên trái cây, rau quả... Chỉ tính từ đầu tháng 1 đến nay, đơn vị đã phối hợp kiểm tra 55 cuộc chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm với 63 lượt cơ sở được thanh, kiểm tra. Theo ông Thuấn, nhận thức, thực hành về an toàn vệ sinh thực phẩm của người sản xuất có sự chuyển biến tích cực, các mẫu phẩm kiểm tra tại chỗ và gửi đi phân tích đều đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Nông nghiệp kiểm tra quy trình thu hoạch rau cần tại thôn Nghiêm Sơn xã Hoàng Khai (Yên Sơn).

Trong những ngày Tết Nguyên đán, người dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cung cấp lượng lớn rau xanh ra thị trường thành phố Tuyên Quang và các vùng lân cận. Bà con nông dân tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, không sử dụng chất kích khích sinh trưởng. Ông Tạ Văn Nghĩa, thôn Nghiêm Sơn bảo, rau xanh là thức ăn không thể thiếu của mỗi gia đình nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm được ông đặc biệt coi trọng. Toàn bộ diện tích rau từ rau cần, su hào, đậu đỗ đều được ông Nghĩa sản xuất theo đúng quy trình hữu cơ, nói không với chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật độc hại...

Bà Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) cho biết, trước Tết, trang trại của gia đình xuất bán trên 1 tấn lợn thịt/ngày. Bà Thịnh cam kết, lợn thương phẩm của trang trại được nuôi theo đúng quy chuẩn và được ngành Nông nghiệp tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm VietGAP. 

Đối với thực phẩm tươi sống là thịt gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ trên địa bàn, tổ chức cho các cơ sở giết mổ ký cam kết không đưa thuốc an thần vào động vật trước khi mổ; không giết, mổ, bán thịt lợn, trâu, bò…có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. 

Người tiêu dùng cũng tỉnh táo khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình không chỉ riêng ngày Tết mà cả trong ngày thường. Chị Bùi Thị Thủy, tổ 15, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, khi mua thực phẩm chị đặc biệt chú ý đến nguồn gốc, chất lượng và tem nhãn. Theo chị Thủy, Tuyên Quang đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất theo chuỗi, người tiêu dùng như chị dễ dàng để truy xuất nguồn gốc.

Liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Tân Sửu, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn quản lý để người dân vui xuân đón Tết an toàn. Ban Chỉ đạo đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các chợ, cửa hàng, cơ sở chế biến thực phẩm; triển khai nhiều hình thức truyền thông để người dân cảnh giác với thực phẩm sử dụng phổ biến trong dịp Tết có nguy cơ mất an toàn.

Ông Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- đơn vị thường trực đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh cho rằng, đơn vị chủ động phối hợp với các ngành liên quan duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát tất cả các cơ sở sản xuất, nếu phát hiện các hành vi vi phạm hàng hóa như hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, trong những ngày Tết không xảy ra trường hợp nào ngộ độc thực phẩm, góp phần mang mùa xuấn đến với mỗi người, mỗi gia đình.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục