Khách hàng mua xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu 112 Trần Phú (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). (Ảnh: ĐỨC KHÔI)
Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của ngành công thương 4 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chỉ ra rằng, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Nguồn cung dầu toàn cầu hiện vẫn thấp hơn nhu cầu dầu trên thị trường thế giới do các nước cung ứng dầu mỏ lớn của thế giới vẫn chưa khôi phục lại công suất sản xuất như kỳ vọng. Bất ổn tại một số nước cung dầu lớn (Trung Đông, Bắc Phi…) và việc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran chưa tiến triển cũng khiến nguồn cung dầu thiếu hụt so với nhu cầu về dầu.
Thị trường xăng dầu trong nước trong Quý I/2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 2 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Dự kiến nhu cầu xăng dầu Quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3.
Nguồn cung xăng dầu dự kiến Quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng tương đương cả Quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ Quý I chuyển sang (1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Quý II và tồn kho gối đầu sang Quý III khoảng 1,5 triệu m3, Bộ Công thương nhận định.
Các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo: (i) Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; (ii) Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; (iii) Bộ cũng có Công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị phối hợp chỉ đạo việc cung ứng xăng dầu và kiểm tra kiểm soát thị trường trên địa bàn.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, thực hiện Công điện số 160/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/3, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1018/BCT-TTTN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin truyền thông, theo đó Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (thuế, chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển...) cho phù hợp; chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu; Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp đưa tin chính thống, đúng bản chất vấn đề và các chủ trương chính sách của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong dư luận và tránh đưa tin cục bộ, thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại Công điện, tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công Thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Lực lượng quản lý thị trường Phú Yên kiểm tra việc niêm yết giá bán xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Tuy Hòa. (Ảnh: TRÌNH KẾ)
Về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu
Công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đang phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.
Trong các kỳ điều hành giá, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
Việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; duy trì Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá trong thời gian tới; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Giải pháp triển khai trong những tháng tới
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết