Kỳ vọng tăng tốc
Theo đánh giá của các ngân hàng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt nên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vào các tháng cuối năm. Điều này xuất phát một phần từ tập quán lâu đời của người Việt thường chi tiêu mạnh tay hơn cho những khoản mua xe, mua nhà, sửa xe, sửa nhà, mua sắm tiêu dùng… vào dịp cuối năm để đón Tết. Còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần bổ sung nguồn vốn để sản xuất hoặc thu mua dự trữ hàng hóa tiêu dùng cung ứng Tết kéo theo nhu cầu tín dụng của người dân cao hơn bao giờ hết. Mặt khác đây cùng là thời điểm để các sở, ngành và các thành phần kinh tế hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế.
Ông Phạm Nhật Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Tân cho biết: Từ đầu tháng 10 nhu cầu mua xe ô tô tăng hơn so với các tháng khác trong năm. Dự kiến 2 tháng còn lại tăng gấp đôi. Để thu hút khách hàng, những ngày này công ty lập kế hoạch kinh doanh với nhiều chương trình quà tặng hấp dẫn. Đồng thời, công ty được ngân hàng Vietcombank tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ nên không lo thiếu vốn quay vòng. Tương tự, trong tâm thế nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cuối năm, ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng (Sơn Dương) bày tỏ: “Hiện nay các công trình do công ty đảm nhiệm thi công xây dựng đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư. Đối với một số công trình còn lại, công ty đang tập trung nhân lực, máy móc để tăng tốc thi công và hoàn thành đúng kế hoạch giao. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, được cấp hạn mức tín dụng nên công ty chủ động, linh hoạt hơn trong thực hiện các phương án, kế hoạch kinh doanh”.
Ngân hàng LienVietPostBank Tuyên Quang triển khai nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng
với lãi suất ưu đãi cho khách hàng dịp cuối năm.
Để kích cầu vốn vay, các ngân hàng đã giao chỉ tiêu đến từng các bộ phận, nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng mạng lưới hoạt động; đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng; cải cách hành chính; giải ngân nhanh chóng… Đồng thời, kết nối với các siêu thị, trung tâm, cửa hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất mua sắm, trả góp các mặt hàng thiết yếu trong gia đình. Hiện tại khách hàng có nhiều lựa chọn để vay vốn từ các ngân hàng LienVietPostbank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB…
Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Vietinbank Tuyên Quang cho biết, để tăng trưởng tín dụng cuối năm, ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên các khâu đột phá, các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị. Hiện chi nhánh đã xây dựng riêng kế hoạch đối với việc bảo lãnh các nhà thầu thi công công trình đường cao tốc. Đã có 8 nhà thầu có nhu cầu bảo lãnh. Đối với dự án đô thị, chi nhánh đã tiếp cận với 2 dự án.
Tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã tăng cường thực hiện các giải pháp tín dụng về tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Trong đó, ưu tiên thu nợ gốc trước, trả nợ lãi sau cho 52 doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc cho 1.059 khách hàng. Ngành thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi vay đối với số dư nợ hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, các ngân hàng đã giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng. Nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế tháo gỡ khó khăn, kịp thời cán đích mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngoài việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 1% - 3% so với đầu năm 2020. Tuy vậy, thị trường tín dụng không vì thế mà tăng “nóng” để chạy theo tăng trưởng. Tiền của ngân hàng đang “chảy” khá thực chất vào sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực so với những tháng đầu năm 2020.
Từ nguồn vốn của Vietcombank, Công ty TNHH đầu tư và Thương mại Nhật Tân nhập thêm nhiều mẫu xe
đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Ông Ngô Quang Dũng, Giám đốc MB Tuyên Quang cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chi nhánh đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay khu công nghiệp; gói 5.000 tỷ đồng cho vay sản phẩm trang trại cho thuê. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ chi nhánh chủ động kế hoạch cho vay với lãi suất rất cạnh tranh. Số tiền cho vay tùy theo năng lực của từng doanh nghiệp và dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Agribank tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó có tập trung vào việc xóa nhà tạm, cho vay nông thôn mới... Đồng thời để hạn chế tín dụng đen, Agribank tỉnh đang triển khai chiến lược đầu tư tín dụng về vùng nông thôn theo hình thức cấp thẻ thấu chi. Theo đó, mỗi thẻ thấu chi, khách hàng được vay tối đa 30 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản. Đây là chính sách hoàn toàn mới của chi nhánh mà trước nay chưa từng có. Số tiền cho vay không nhiều góp phần hạn chế nợ xấu và giúp ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, ngoài việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại khác như BIDV, LienVietPostBank, SHB, VietcomBank Tuyên Quang đồng loạt đưa ra các chương trình tín dụng với lãi suất thấp và ưu tiên lãi suất chỉ từ 4% đối với khách hàng truyền thống; mở các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng mua sắm, tiêu dùng. Đây được xem là một trong những đòn bẩy chính sách hiệu quả để tăng tốc tín dụng vào cuối năm.
Gửi phản hồi
In bài viết