Bảo đảm quốc phòng, an ninh và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành đã quy định rất rõ việc sử dụng tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Cuối phiên thảo luận chiều 15/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan dự án Luật.

Không để độc quyền viễn thông

Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà 1 tổ chức được cấp phép sử dụng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc để xác định hạn mức sử dụng băng tần, nhằm bảo đảm quy định không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, dự thảo Luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn là bảo đảm, tránh tích tụ tần số để không dẫn đến độc quyền viễn thông. Điều này không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
(Ảnh: LINH NGUYÊN)

Ngoài ra, quy định về giới hạn băng tần tại dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với từng doanh nghiệp mà không áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp. Bộ trưởng nêu rõ, một nhóm doanh nghiệp không thể tích tụ tần số, vì tần số là cấp riêng cho từng doanh nghiệp được sử dụng, nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nhóm thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vẫn bị giới hạn về tích tụ tần số.

Về sử dụng tần số ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung thêm 2 trường hợp đặc biệt là: sự kiện quốc tế và hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, trong tương lai còn có thể phát sinh các trường hợp đặc biệt khác mà chưa xác định được nên vẫn cần quy định mang tính phổ quát ở Luật. Về thẩm quyền cho phép sử dụng tần số trong các trường hợp đặc biệt này, dự thảo Luật giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về các phương thức cấp phép quyền sử dụng tần số, Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo Luật quy định 3 phương thức cấp phép là: trực tiếp, thi tuyển và đấu giá, cùng với các trường hợp áp dụng cụ thể. Trong đó, đấu giá áp dụng với tần số có giá trị thương mại cao với 1 mục tiêu chính là tài chính; thi tuyển khi Chính phủ có đa mục tiêu, như khuyến khích công nghệ mới, phủ sóng rộng, vùng sâu, vùng xa, phủ sóng nhanh hoặc khuyến khích cạnh tranh; và cấp trực tiếp đối với các tần số không có giá trị thương mại cao hoặc khi cấp lại, cấp thử nghiệm hoặc khi đấu giá, thi tuyển không khả thi.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền số quốc gia

Liên quan điều kiện tham gia đấu giá, có ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Viễn thông, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định kinh doanh viễn thông là kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giới hạn tỷ lệ góp vốn không vượt quá 49%.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế; đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách này vì ảnh hưởng đến bảo mật, cạnh tranh bình đẳng.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
(Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, trong dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc sử dụng tần số phân bổ cho phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế-xã hội thì phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Theo Bộ trưởng, lượng tần số sử dụng cho phát triển kinh tế-xã hội thì phải thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số, như vậy đã bảo đảm các yếu tố về bảo mật và cạnh tranh lành mạnh.

Bộ trưởng nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của đấu giá tần số là để triển khai mạng viễn thông phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Đấu giá tần số luôn phải đi kèm với cam kết triển khai mạng. Vi phạm cam kết này là vi phạm nghiêm trọng và do vậy cần phải có chế tài đủ mạnh.

Để xử lý vi phạm về cam kết triển khai mạng viễn thông, dự thảo Luật quy định thu hồi giấy phép và không hoàn trả các khoản tài chính mà doanh nghiệp đã nộp. Theo Bộ trưởng, đây là biện pháp quản lý nhà nước để xử lý đối với trường hợp vi phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ quy định rõ các khoản tài chính không được hoàn trả, bao gồm phí sử dụng tần số, lệ phí cấp giấy phép và tiền cấp quyền sử dụng tần số mà doanh nghiệp đã nộp.

Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thời điểm xem xét cấp lại giấy phép là 5 năm trước khi giấy phép hết hạn thay vì 3 năm như dự thảo Luật.

Về ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời điểm xem xét cấp lại giấy phép phải đủ dài để doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng. Nhưng nếu để dài quá, thí dụ 5 năm thì việc quy hoạch tần số trước thời điểm xem xét cấp lại có thể không theo sát sự thay đổi của công nghệ, vì công nghệ di động thay đổi rất nhanh. Xem xét kinh nghiệm quốc tế, trong số 32 nước có quy định về cấp lại giấy phép trong luật, thời điểm xem xét cấp lại sớm nhất là 3 năm trước khi hết hạn. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, việc chọn thời hạn 3 năm là dành đủ thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước để quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch tần số vô tuyến điện, tài sản công quốc gia có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, bảo đảm yêu cầu hội nhập, lợi ích quốc gia, chủ quyền số quốc gia, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát để bảo đảm dự án Luật thống nhất với các luật khác, cụ thể hóa tối đa trong dự thảo những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục