Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng góp ý vào dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trong phiên thảo luận Tổ sáng 6/1.
Sáng 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Làm rõ các nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng cần thiết sớm thông qua, tuy nhiên cần xem xét, bảo đảm tính khả thi của các mục tiêu cũng như kịch bản tăng trưởng trong các giai đoạn đặt ra.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế…
Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP….
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) đánh giá, các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trong Quy hoạch tổng thể quốc gia khá cao. Do đó, cần xem xét tính thực tế và khả thi của các mục tiêu cũng như các kịch bản tăng trưởng đặt ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố bất định, khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến đổi khí hậu…
“Công nghệ và các mô hình kinh doanh mới sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt, tác động đến doanh số của các kịch bản nêu ra”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ sáng 6/1.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nội dung khó. Khác với quy hoạch tỉnh với các cơ sở tương đối rõ ràng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là một bức tranh hoàn toàn khác. Tuy nhiên, đây là nền tảng cơ sở cho các quy hoạch ngành và địa phương, cho nên dù khó nhưng cũng cần sớm hoàn thiện để thông qua.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai, đồng thời làm rõ tính chi tiết của các nội dung trong Quy hoạch.
Cần tránh tình trạng quy hoạch “treo”
Góp ý vào dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là hành lang tăng trưởng…
Với lĩnh vực công nghiệp, đại biểu bày tỏ quy hoạch hiện được xây dựng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào. Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh… được đưa ra nhưng lại không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.
Đại biểu Ngân cũng lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030-2050, nên tình trạng quy hoạch “treo” là vấn đề đặt ra. Do đó, đại biểu cho rằng xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch thì cần bảo đảm quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng cần lưu ý vấn đề quy hoạch "treo".
“Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân” – đại biểu Ngân nói.
Cũng theo đại biểu, để thực hiện quy hoạch thì cần bảo đảm tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. “Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn” – đại biểu cho biết.
Liên quan vấn đề thể chế để thực hiện quy hoạch, đại biểu Ngân cho rằng do nguồn lực đầu tư công là có hạn, nên thay vì đầu tư dàn trải trước đây cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội…
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ 10.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Quy hoạch quốc gia phải mang tính chất chiến lược, tổng thể. Do là cấp quốc gia nên rất cần yếu tố ổn định, cần độ tĩnh để đảm bảo tính nhất quán và dài hạn trong tổ chức thực hiện nhưng cũng cần phải xem xét tới yếu tố biến động trong tương lai.
Để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ…, đồng thời làm rõ hiện trạng mối quan hệ giữa Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt.
Gửi phản hồi
In bài viết