Hỗ trợ người dân sơ tán khỏi khu vực ngập lụt ở Brazil. (Ảnh: TÂN HOA XÃ)
Theo chính quyền bang Rio Grande do Sul, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn hai phần ba trong số gần 500 thành phố của bang, khiến khoảng 150.000 người phải di dời. Ngoài 85 người chết, hơn 130 người vẫn mất tích, nước lũ cũng phá hủy nhiều đường, cầu và gây sạt lở đất. Nhiều nhà máy, sân bay quốc tế Salgado Filho và hoạt động đường sắt tại bang này cũng bị gián đoạn hoặc ngừng hoạt động.
Nước Mỹ cũng vừa trải qua 10 ngày liên tiếp xảy ra lốc xoáy, trong khi giới chuyên gia dự báo thời tiết khắc nghiệt còn kéo dài. Hơn 25 triệu người tại Mỹ được cảnh báo có nguy cơ hứng chịu những cơn bão dữ dội trong ngày 6/5, ở các khu vực từ Dallas thuộc bang Texas đến Sioux Falls thuộc bang South Dakota.
Tháng 5 là cao điểm xảy ra lốc xoáy ở Mỹ. Từ đầu năm đến ngày 4/5 vừa qua, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 583 trận lốc xoáy, cao hơn so với 531 trận cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 4 có 300 trận lốc xoáy và được ghi nhận là tháng 4 có số trận lốc xoáy cao thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Trong khi đó, tại châu Phi, Tanzania và Kenya được đặt trong tình trạng báo động về bão nhiệt đới Hidaya. Nhà chức trách Tanzania đã phong tỏa tuyến đường dài 396 km nối thành phố cảng Dar es Salaam với các khu vực phía nam, sau khi lũ quét do bão nhiệt đới Hidaya đã cuốn trôi 4 cây cầu chính bắc qua xa lộ này. Kenya cũng tuyên bố cấm mọi hoạt động trên bãi biển.
Mấy tuần qua, mưa xối xả và lũ lụt đã tàn phá một số vùng ở Đông Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người. Riêng tại Kenya, hơn 220 người thiệt mạng, gần 100 người mất tích và hơn 165.000 người phải rời nhà lánh nạn. Tổng thống Kenya William Ruto mô tả tình hình thời tiết là thảm khốc và hoãn việc mở cửa lại trường học.
Ngày 6/5, các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc cảnh báo, lũ lụt nghiêm trọng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình dịch tả đang diễn ra ở khu vực Đông Phi. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), đến nay tại khu vực đã có 236 người thiệt mạng, gần 750.000 người bị ảnh hưởng và 234.000 người phải di dời. Các cơ quan Liên hợp quốc tiếp tục phối hợp chính phủ các nước bị ảnh hưởng để cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết