Bão mặt trời dự kiến ập đến Trái đất vào ngày 3-8. Ảnh: Shutterstock
Các nhà dự báo tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (SWPC) đã đưa ra dự đoán sau khi quan sát thấy "vật chất khí đang chảy từ một lỗ phía nam trong bầu khí quyển của mặt trời" - Spaceweather đưa tin.
Bão mặt trời lần này gây ra bởi một “lỗ hổng” trong bầu khí quyển của mặt trời - hay còn gọi là lỗ nhật hoa. Lỗ nhật hoa là nơi vành nhật hoa lạnh hơn, do đó tối hơn và có mật độ plasma thấp hơn trung bình. Các lỗ như vậy cũng là nơi mà từ trường của mặt trời thay vì quay ngược trở lại chính chúng, thì lại phóng ra ngoài không gian. Theo bảo tàng khoa học Exploratorium ở San Francisco (Mỹ), điều này cho phép vật chất khí của mặt trời bùng phát thành dòng xoáy di chuyển với tốc độ lên đến 2,9 triệu km/h.
Trên các hành tinh có từ trường mạnh - chẳng hạn như như Trái đất - đống mảnh vụn mặt trời này bị hấp thụ, gây ra các cơn bão địa từ. Trong những cơn bão này, từ trường của Trái đất bị nén nhẹ bởi sóng của các hạt có năng lượng cao. Những hạt này nhỏ giọt xuống các đường sức từ gần các cực và kích động các phân tử trong khí quyển, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng để tạo ra các cực quang nhiều màu sắc, tương tự như các cực quang ở Bắc Cực.
Cơn bão mặt trời 9.200 năm trước đã tấn công Trái đất. Ảnh: NASA
Bão mặt trời lần này chỉ ở cấp G1 (cấp độ yếu) theo hệ thống phân loại của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Các cơn bão mặt trời cấp G1 có khả năng gây ra những biến động nhỏ trong lưới điện và ảnh hưởng đến một số chức năng của vệ tinh - bao gồm cả những chức năng dành cho thiết bị di động và hệ thống GPS. Nó cũng sẽ đưa cực quang đến tận phía nam Michigan và Maine (Mỹ).
Các cơn bão địa từ cực đoan hơn có thể phá vỡ từ trường của hành tinh chúng ta đủ mạnh, khiến các vệ tinh có thể rơi xuống Trái đất, thậm chí có thể làm tê liệt Internet. Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian, các mảnh vỡ phun ra từ mặt trời, hoặc các vụ phun trào nhật hoa, thường mất khoảng 15 đến 18 giờ để đến Trái đất.
Cơn bão này xuất hiện khi mặt trời đi vào giai đoạn hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ mặt trời kéo dài khoảng 11 năm của nó.
Từ năm 1775, các nhà thiên văn học đã biết rằng hoạt động của mặt trời tăng và giảm theo chu kỳ, nhưng gần đây, mặt trời hoạt động mạnh hơn dự kiến, với gần gấp đôi số lần xuất hiện vết đen mặt trời so với dự đoán của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Các nhà khoa học dự đoán rằng hoạt động của mặt trời sẽ tăng dần trong vài năm tới, đạt mức cực đại tổng thể vào năm 2025 trước khi giảm trở lại.
Các nhà khoa học cho rằng cơn bão mặt trời lớn nhất từng chứng kiến trong lịch sử đương đại là Sự kiện Carrington năm 1859, giải phóng năng lượng gần bằng 10 tỉ quả bom nguyên tử 1 megaton. Sau khi đâm vào Trái đất, luồng hạt mặt trời cực mạnh đã phá huỷ các hệ thống điện báo trên toàn thế giới và gây ra các cực quang sáng hơn ánh sáng của trăng tròn xuất hiện ở tận phía nam Caribea.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu một sự kiện tương tự xảy ra ngày hôm nay, nó sẽ gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD và gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, giống như cơn bão mặt trời năm 1989 đã giải phóng một lượng khí hàng tỉ tấn và gây mất điện trên toàn bộ tỉnh Quebec của Canada.
Gửi phản hồi
In bài viết