Giao diện bài viết trên trang mạng Mùa xuân nước Nga.
Kiểm soát tốt đại dịch Covid-19
Mở đầu bài viết, TS Korolev nêu bật thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, cho thấy một mô hình đối phó đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất so với nhiều quốc gia khu vực và thế giới. Tỷ lệ ca tử vong vì Covid-19 đứng ở mức thấp, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng cần phải noi gương Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bài học từ “hình mẫu” Việt Nam là cần phải hành động ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh. Thậm chí, từ trước khi WHO công bố dịch một tháng, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh mà không chờ khuyến nghị của WHO. Tác giả nhấn mạnh: “Đạt được kết quả này là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp với trách nhiệm cao của các cơ quan hữu quan. Ban phòng chống Covid-19 được thành lập, xây dựng kế hoạch hành động thống nhất, thường xuyên điều chỉnh phù hợp tình hình dịch tễ…”
Tác giả khẳng định “thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 là nhờ có chiến lược đúng đắn, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền với sự tương tác chặt chẽ của các cấp và người dân, thực hiện hiệu quả các biện pháp đề ra, đồng thời huy động lực lượng vũ trang kiểm soát thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định”.
Những hành động kịp thời và hiệu quả này giúp Việt Nam không rơi vào đà suy thoái kinh tế như hầu hết các quốc gia khác. Với chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 2,91% năm 2020, Việt Nam đã lọt vào nhóm mười quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đây là một điều đáng tự hào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy nhiều nền kinh tế vững mạnh xuống mức tăng trưởng âm.
Trách nhiệm, uy tín trên trường quốc tế
Bên cạnh những thành công này, Việt Nam cũng được nhìn nhận là một quốc gia có trách nhiệm và uy tín trên trường quốc tế.
Năm 2020, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), và các hoạt động của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Một thành tựu quan trọng của Hà Nội là việc LHQ thông qua nghị quyết do Việt Nam đề xuất về hợp tác giữa ASEAN và tổ chức này.
Trong khi đó, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được đánh giá cao. Năm 2020, hiệp hội đã đạt được những thỏa thuận quan trọng trên bình diện kinh tế - xã hội, trong đó dấu ấn của Việt Nam trong năm chủ tịch là thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2020. Đây là Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 quốc gia. Năm 2020, lần đầu tiên trong tám năm qua, các nước tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã thông qua Tuyên bố chung, cũng như Kế hoạch hành động ba năm giai đoạn 2020 - 2022. Cả hai văn kiện đều nêu bật vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cần ghi nhận vai trò tích cực của ASEAN và cụ thể là Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả Covid-19. Đặc biệt, các cơ chế hợp tác chống dịch đã được thiết lập, bao gồm Quỹ ASEAN đối phó với Covid-19, Kho dự trữ thuốc và vật tư y tế khu vực ASEAN, Trung tâm ASEAN chống dịch bệnh mới… Hơn nữa, trong thời kỳ đại dịch, hàng chục cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức cả trong khuôn khổ ASEAN và với các đối tác đối thoại của Hiệp hội như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hội nhập quốc tế sâu rộng
Sự phát triển thành công của Việt Nam được thúc đẩy bởi chính sách đối ngoại đa phương, có trách nhiệm. Năm 2020, ASEAN đã tích cực thúc đẩy tầm nhìn của khối về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nước ASEAN ủng hộ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, phát triển và thịnh vượng thông qua hợp tác, hội nhập và liên kết chặt chẽ. Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất vào quá trình hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong số các cường quốc tầm trung. Hiện tại, Hà Nội là thành viên của 14 hiệp định về khu thương mại tự do với các nước lớn như Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và các hiệp hội như Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ký hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu vào năm 2015.
Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiện chỉ có 4 nước thành viên ASEAN ký kết hiệp định này. Song song đó, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Nhìn chung, Việt Nam đang vận dụng thành công chiến lược cân bằng trong chính sách đối ngoại và hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy đa phương hoá các lĩnh vực hợp tác. Trong năm qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục khởi sắc, kim ngạch thương mại năm 2020 vượt 130 tỷ USD, so với con số 117 tỷ USD năm 2019. Sau Trung Quốc, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 75 tỷ USD trong năm qua.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam, lần lượt là hơn 18 tỷ USD và 11 tỷ USD, giai đoạn 2013-2019. Nhật Bản cũng là đối tác lớn về hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, Tokyo đã cung cấp 17,2 tỷ USD viện trợ, phần lớn trong số đó (83%) là các khoản vay ưu đãi.
Tiềm năng phát triển kinh tế
Hiện tại, các ước tính về sự tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2021 có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh và vượt xa hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% vào năm 2021, sau đó ổn định ở mức 6,5%. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ lên tới 6,3%. Trong số đó, các lĩnh vực được dự báo tăng trưởng nhanh là khu vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ trở thành động lực chính của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần, lần lượt là 7% và 6,47%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định là một lợi thế khác có thể giúp nhanh chóng phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, Việt Nam thu hút 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn đầu tư, do nền kinh tế đang phát triển, dân số phát triển, tầng lớp trung lưu và năng suất lao động tăng, tiềm năng công nghệ cao và sự tham gia chặt chẽ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tác giả bài báo kết luận: “Những thành tựu nói trên không tách rời sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân. Việt Nam là thí dụ điển hình trong cuộc chiến chống Covid-19, một điểm sáng kinh tế, điểm đến hấp dẫn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, “cường quốc tầm trung” có trách nhiệm”.
Gửi phản hồi
In bài viết