Du khách tham quan "bảo tàng cá".
Độ chừng 20 phút lênh đênh trên dòng sông Hậu bao la, chiếc bè chở chúng tôi dần cập vào "bảo tàng cá". Trước mắt tôi là một khu nuôi dưỡng khá đặc biệt, rộng khoảng gần 1ha, cách mé nước không xa.
Ở đây có khoảng 30 lồng bè nuôi đủ các loại cá, trong đó có nhiều loài mà phải được hướng dẫn viên giới thiệu tôi mới biết tới. Những chiếc bè xuất hiện ở khu vực này từ hơn 20 năm trước. Ban đầu, được làm để nuôi cá thương phẩm.
Sau đó, chủ bè mở rộng diện tích nuôi trồng, đưa về đây nhiều loài cá quý hiếm. Dần dần thành khu bảo tồn theo đúng nghĩa. Bên trên các lồng được thiết kế những lối đi nhỏ bằng ván gỗ, vừa khoảng hai người đi.
Mỗi lồng bè đều có bảng tên loài cá được nuôi dưỡng. Bên cạnh các lồng bè là một căn phòng được dựng bằng gỗ, tấm tôn, bên trong trưng bày nhiều ảnh, mô hình 3D và có thông tin các loại cá.
Sát kế bên là một nhà nổi được dựng để ông Lý Văn Bảy (tên thường gọi là Bảy Bon, chủ bè cá) tiếp khách đến thăm. Ở đây bày biện nhiều bàn ghế, để khách đến nghe gia chủ kể về câu chuyện liên quan đến những chiếc bè cá ngoài kia, thưởng thức món chả cá được chế biến bởi chính chủ bè.
Ông Bảy Bon năm nay ngoài 60 tuổi, có gần 30 năm lênh đênh sóng nước, gắn bó với các bè cá. Ông trẻ hơn nhiều so với tuổi. Ông hiền lành, dễ gần, mặt mũi phương phi, thân thể rắn chắc.
Ông nói vui, chắc do sống gần nửa đời trên sông nước, được hưởng thụ không khí mát lành từ sông, lại ăn cá thường xuyên cho nên mới khỏe mạnh như vậy.
Nếu nhìn qua vẻ ngoài không ai ngờ ông là một tỷ phú, với thu nhập đều đặn hàng tỷ đồng mỗi năm, được người dân đặt biệt danh “vua cá thác lác”.
Ông sinh ra và lớn lên ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau). Học hết phổ thông, ông theo học Trường đại học Thủy sản Nha Trang. Ra trường, ban đầu ông làm trái ngành. Những lúc rảnh rỗi, ông xin đi cùng các đoàn nghiên cứu thủy sản dọc các sông ngòi, kênh rạch miền Tây.
Trong các chuyến đi, Bảy Bon quen với nhà nghiên cứu thủy sản người Pháp Philip Serene. Philip tâm sự rằng, trên thế giới này khó có nơi nào thuận lợi để nuôi cá hơn sông Mê Công, nếu ông Bảy đi nuôi cá sẽ làm giàu được.
Được sự động viên của Philip, năm 1997, ông Bảy Bon nghỉ việc, được một chuyên gia người Hungary chỉ cho địa điểm giữa sông Hậu, gần phía cồn Sơn để đặt bè cá. Ở đây nước chảy mạnh, sóng gió nhiều cho nên ngưỡng ô-xy rất tốt.
Giữa sông nước ít bị ô nhiễm, lại bảo đảm an ninh. Hồi ông Bảy Bon mới làm bè, ông Philip Serene dẫn bạn bè đến rất đông, hầu hết là các nhà nghiên cứu đến từ các nước như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, Đức…
Và chính tại nơi đây, nhà khoa học Philip Cacos (người Pháp) đã cho con cá tra sinh sản nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam. Được sự giúp sức của các chuyên gia, việc nuôi cá của Bảy Bon hết sức thuận lợi.
"Hàng chục năm qua, nghe người dân ở đâu bắt được các con cá hiếm là tôi lặn lội đến hỏi mua bằng được, dù xa xôi đến mấy. Không ít lần tôi khăn gói sang tận Campuchia hoặc đến các vùng xa xôi, hẻo lánh của An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… tìm mua cá. Ấy vậy mà nhiều chuyến đi về tay không.
Đem cá về, nuôi như thế nào để cá phát triển, nhanh lớn lại là một vấn đề khó. Nuôi cá mật độ ra sao, cá nào thì nuôi với cá nào…, ngoài kiến thức còn cần thêm kinh nghiệm dân gian. Thí dụ nuôi cá mao ếch kết hợp các loại cá khác, để khi bè đóng rong, rêu thì cá mao ếch sẽ ăn sạch. Nuôi cá he để dự báo luồng nước độc, khi nước ô nhiễm, cá he sẽ lên trên mặt nước trước.
Cá me rổ khi đẻ ra chỉ chừng hạt gạo, lớn lên, cá sẽ bắt cặp thành con đực-con cái chứ không bao giờ đi 3 con, cũng không có chuyện chỉ con đực, con cái đi một mình. Vì vậy, khi nuôi phải kiếm đủ một cặp…", ông Bảy Bon chia sẻ.
Hiện nay, ông Bảy Bon nuôi hàng chục loại cá quý hiếm, còn rất ít trong tự nhiên như cá hô, he, nanh heo, me rổ, tra cờ…; đặc biệt có cả cá Trà Sóc, một loại cá từng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Các loại cá này được ông tìm kiếm, nuôi dưỡng rồi tìm cách cho chúng sinh sản để thả ra tự nhiên.
Ban đầu ông đắn đo, sợ ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc cá. Sau đó, ông nghiên cứu, tìm cách thích ứng rồi cùng những hộ dân ở cồn Sơn cách đó không xa hợp tác làm du lịch.
Cuối năm 2022, một nhóm học sinh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành lập một phòng thông tin có tên “Nghề cá trên sông Hậu” dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tại Trường đại học Cần Thơ.
Khách đến đây sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin những loài cá đặc trưng trên sông Hậu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Mô hình 3D về 15 loài cá khác nhau, kèm theo giới thiệu về đặc tính của các loài cá được xây dựng.
Dù khách ít hay nhiều, dù mưa hay nắng, bất cứ ai đến đây tìm ông hỏi chuyện cá, chuyện nghề ông đều chỉ dẫn, kể lại một cách say sưa.
Ông bảo: “Mình nuôi cá một phần để bảo tồn những loại cá có nguy cơ tuyệt chủng, một phần để mọi người, nhất là con cháu sau này sẽ biết trên dòng Mê Công từ xưa đã có những loại cá như thế. Hy vọng những bè cá của tôi sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học của mọi người. Đó cũng là cách để phần nào đó, tôi trả ơn dòng sông Hậu”.
Gửi phản hồi
In bài viết