Chạy cà kheo là một trong những môn thể thao được chọn thi đấu tại Đại hội Thể thao của tỉnh.
Huyện Hàm Yên là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh cả về phong trào lẫn thành tích ở các môn thể thao dân tộc. Huyện đã sớm có chủ trương xây dựng các đội thể thao từ thôn cho tới cấp xã, thị trấn; tạo điều kiện về cơ sở vật chất để phong trào phát triển đồng đều; đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu. Ông Nguyễn Sỹ Kha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện cho biết, để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, huyện luôn quan tâm, duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, thu hút được nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu. Hàng năm, huyện phối hợp với các đơn vị, các xã tổ chức các giải thể thao dân tộc thu hút được đông đảo các xã và các vận động viên tham gia.
Một địa phương khác cũng đã thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc đó là huyện Chiêm Hóa. Tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều chọn các môn thể thao dân tộc là thế mạnh, để vừa phát triển phong trào, vừa tham gia thi đấu giành thành tích cao tại các giải đấu vừa bảo tồn, gìn giữ các môn thể thao dân tộc.
Môn bắn nỏ thu hút đông đảo người dân huyện Lâm Bình tập luyện.
Chị Hà Thị Khách, thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) là người có “thâm niên” chơi môn bắn nỏ. Đến nay, chị là một VĐV xuất sắc giành được nhiều huy chương các loại tại các giải đấu của huyện, tỉnh và toàn quốc. Chị Khách cho biết, chị đã có 30 năm chơi môn thể thao này, với chị, môn thể thao này không những giúp chị học được tính kiên nhẫn, bình tĩnh, mắt sáng, sức khỏe mà còn góp phần vào việc bảo tồn môn thể thao của dân tộc mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang khẳng định: công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc không chỉ mang ý nghĩa rèn luyện thể chất, tinh thần thi đấu thể thao đẹp, mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc, là nguồn động viên khích lệ người dân hướng về cội nguồn, hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết