Sức khỏe người lao động trong lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Đây là thông điệp được ILO thể hiện trong báo cáo "Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng: Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt ngay từ bây giờ” vừa công bố cuối tháng 4-2021. Báo cáo đã đánh giá các biện pháp phòng ngừa, quản lý rủi ro liên quan đến đại dịch và phân tích những nguy cơ về an toàn sức khỏe do thay đổi trong cách bố trí công việc khi áp dụng các biện pháp kiểm soát vi rút SARS-CoV-2.
Trên thực tế, “làn sóng” dịch Covid-19 diễn ra thần tốc khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, tác động nặng nề tới thị trường lao động. Số liệu của ILO cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu trong năm 2020 đã tăng 1,1%, tương đương 33 triệu người mất việc làm, nâng tổng số người không có việc làm trên toàn cầu là 220 triệu người với tỷ lệ tăng lên 6,5%. Mặc dù trong quý I-2021 đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nhưng ILO cảnh báo triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu trong năm 2021 là "thấp, không ổn định và không đồng đều".
Báo cáo của ILO cũng chỉ ra rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như công tác chăm sóc y tế, xã hội và ứng phó khủng hoảng đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Theo số liệu được trích dẫn, kể từ khi xảy ra đại dịch đã có 7.000 nhân viên y tế tử vong, 136 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe và xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc. Riêng tại châu Mỹ, Covid-19 đã khiến 570.000 nhân viên y tế bị lây nhiễm và 2.500 người tử vong. Ở châu Âu, 25% số trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 là các nhân viên y tế.
Tương tự, nhiều nơi làm việc khác đã và đang trở thành nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 khi người lao động phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau như lĩnh vực: May mặc, giày da, chế biến, sản xuất linh kiện... Theo thông tin từ Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia, nước này hiện có 206 nhà máy có công nhân nhiễm Covid-19, với gần 2.000 công nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và gần 20.000 công nhân phải cách ly. Trong khu vực kinh tế phi chính thức, có đến 1,6 tỷ người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn phải làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa Điều này khiến họ đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19 trong khi đa phần lại không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản.
Giới chuyên gia cảnh báo, thế giới còn lâu nữa mới có thể chấm dứt được đại dịch Covid-19 do các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi. ILO nhận định, các nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho an toàn sức khỏe nghề nghiệp và vấn đề này cần được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời bảo vệ người lao động và xã hội. Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng nếu thiếu đi sự cống hiến của lực lượng lao động. Do đó, bảo vệ nguồn lực lao động chính là bảo vệ tài sản quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết