Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động bầu cử giữa kỳ tại Trường Trung học Richard Montgomery.
Nhằm lấy lại uy tín bị giảm sút khi nền kinh tế phát đi những tín hiệu tiêu cực do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Mátxcơva, hơn 1 tháng qua, Tổng thống Joe Biden đã triển khai nhiều chính sách, từ nỗ lực kiểm soát súng đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chi phí chăm sóc y tế. Ông cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ trong củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thúc đẩy đoàn kết…
Đáng chú ý, trong số những quyết định mới ban hành có đạo luật khoa học và CHIPS với mục tiêu tăng cường việc sản xuất chất bán dẫn trong nước về lâu dài để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài. 6 ưu tiên chính trong nội dung của đạo luật gồm: Bảo vệ tiền của người đóng thuế; đáp ứng các yêu cầu kinh tế và an ninh quốc gia; bảo đảm sự lãnh đạo lâu dài trong ngành bán dẫn; tăng cường và mở rộng các sáng tạo và sản xuất khu vực; tạo thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân; tạo lợi ích cho các cộng đồng và đối tượng liên quan.
Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nội địa nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden kỳ vọng đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ XXI.
Để tăng thêm trợ lực cho cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Joe Biden cũng đã ký ban hành đạo luật giảm lạm phát, bao gồm chi 369 tỷ USD đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng, khoảng 64 tỷ USD dành cho việc mở rộng một chính sách theo Luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền với mục tiêu giảm chi phí bảo hiểm y tế. Đạo luật cũng đặt ra mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm. Tổng thống Joe Biden đã quyết định xóa nợ cho nhiều đối tượng là sinh viên cũng như giãn thanh toán các khoản nợ phải trả đến cuối năm nay. Đây được xem là một động thái mang tính chính trị của ông và đảng Dân chủ nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi.
Lịch sử các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ suốt gần 8 thập kỷ qua cho thấy, đảng của tổng thống đương nhiệm thường mất ghế hạ viện. Đã từng có 7/13 vị tổng thống Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ với tỷ lệ ủng hộ của người dân luôn dưới 50%. Ví dụ trường hợp cựu Tổng thống Barack Obama, với tỷ lệ ủng hộ 45% vào năm 2020, đảng Dân chủ của ông mất 63 ghế hạ viện. Trong khi đó, tình hình ở thượng viện ít dao động hơn.
Theo kết quả các cuộc khảo sát trước thềm bầu cử giữa kỳ, sau các nỗ lực của Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ đã dần lấy lại được tín nhiệm của một bộ phận cử tri Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ trong tháng 8 tăng lên gần 44%, mức cao nhất trong vòng 1 năm. Theo ý kiến những người tham gia cuộc thăm dò, đảng Dân chủ cũng duy trì lợi thế hơn so với đảng Cộng hòa. 48% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ một ứng cử viên đảng Dân chủ so với 44% dự định dành phiếu cho một đại diện của đảng Cộng hòa. Kết quả thăm dò của Hãng tin CNN cho thấy, đảng Dân chủ có 70% cơ hội giành chiến thắng tại thượng viện.
Với những tín hiệu tích cực nói trên, đảng Dân chủ có cơ sở để kỳ vọng, lịch sử nhiều kỳ bầu cử giữa kỳ Mỹ thường bất lợi với đảng cầm quyền sẽ không lặp lại vào ngày 8-11 tới.
Gửi phản hồi
In bài viết