Hạ Viện Pháp có hai chức năng chính là lập pháp và giám sát hoạt động của Chính phủ.
Bầu cử lập pháp tại Pháp ít được quan tâm hơn bầu cử Tổng thống. Năm 2017, tỷ lệ cử tri vắng mặt lên tới hơn 57%, mức cao kỷ lục trong nền Cộng hòa thứ V ở Pháp. Diễn ra trong bối cảnh chính trị-xã hội hiện nay ở Pháp rất phức tạp, bầu cử lập pháp lần này ở Pháp rất quan trọng đối với cả đảng cầm quyền và các đảng phái đối lập.
Ngay sau kỳ bầu cử tổng thống, các đảng phái chính trị đối lập đã lập liên minh để vận động cho cuộc bầu cử lập pháp với mục tiêu chiếm đa số ở Hạ viện để có thể kiềm chế quyền lực của Tổng thống.
Một ngày trước khi diễn ra bầu cử vòng một, kết quả thăm dò ý định bầu cũng như dự báo của các nhà phân tích đều cho rằng liên minh tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron với tên gọi “Chung sức” ít có khả năng giành được đa số trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội.
Tình hình chính trường tại Pháp hiện nay khác với năm 2017 khi Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử. Lạm phát liên tục lập kỷ lục khiến cho đời sống của nhiều người dân Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Cam kết của Tổng thống Emmanuel về cải thiện sức mua chưa thể được thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thái độ thờ ơ của cử tri Pháp đối với cuộc bầu cử này và cũng là cơ hội để các đảng phái đối lập theo đuổi mục tiêu giành đa số trong Quốc hội.
Thách thức lớn nhất đối với liên minh tranh cử của đảng cầm quyền là liên minh cánh tả với tên gọi Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội mới (NUPES) gồm các đảng Nước Pháp Bất khuất (LFI), đảng Xã Hội (PS), đảng Xanh (EELV) và đảng Cộng Sản (PC). Đứng đầu liên minh là ông Jean-Luc Mélenchon, người từng về thứ 3 tại vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp, đã thể hiện rõ tham vọng và kêu gọi cử tri Pháp ủng hộ ông trở thành Thủ tướng để hạn chế quyền lực của Tổng thống Macron.
Kết quả thăm dò ý định bầu của Viện Ipsos/Sopra Steria công bố ngày 9/6 cho thấy liên minh NUPES có thể có được 28% ý định bỏ phiếu của cử tri trong vòng 1, tăng 0,5 điểm so với cuộc thăm dò trước đó. Liên minh của đảng cầm quyền có thể chỉ giành được đạt 27% phiếu bầu.
Liên minh NUPES có thể giành được từ 175-215 ghế trên tổng số 577 tại Quốc hội. Liên minh của đảng cầm quyền có thể được từ 260 đến 300 ghế, tức là có nhiều nguy cơ mất đa số tuyệt đối. Nếu xảy ra như vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ buộc phải mở rộng liên minh với các lực lượng chính trị khác trong vòng hai để có thể giành đa số ghế tại Quốc hội.
Còn tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) của bà Marine Le Pen, đối thủ chính của ông Emmanuel Macron trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, cũng giảm 0,5% xuống còn 19,5%.
Tỷ lệ cử tri vắng mặt trong vòng 1 có khả năng lên tới 52-56%, cao hơn cả kỷ lục 51,3% trong vòng 1 kỳ bầu cử lập pháp vào năm 2017.
Trong bài phát biểu trước khi kết thúc giai đoạn vận động bầu cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng cuộc bầu Quốc hội Pháp vào ngày 12 và 19/6 mang ý nghĩa quyết định đối với nhiệm kỳ của ông. Ông nói: Trong những năm tới, việc triển khai những dự án mà tôi cam kết trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua sẽ cần sự ủng hộ của đa số tuyệt đối tại Quốc hội.
Cũng như bầu cử tổng thống, bầu cử lập pháp tại Pháp được tổ chức theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, tổ chức 5 năm 1 lần. Tỷ lệ cử tri vắng mặt càng cao thì khả năng có ứng viên đắc cử dân biểu ngay từ vòng 1 càng thấp và số ứng viên lọt vào vòng 2 cũng càng ít. Năm 2017, chỉ có 4 ứng cử viên đắc cử ngay từ vòng 1 so với 36 vào năm 2012.
Để thực hiện thuận lợi chính sách cải cách, Tổng thống Emmanuel Macron cần có đa số tuyệt đối ở Quốc hội, tức giành được ít nhất 289 trên tổng số 577 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp lần này.
Hai vòng bầu cử Quốc hội Pháp 2022 sẽ diễn ra vào ngày 12/6 và ngày 19/6/2022. Có gần 6.300 ứng cử viên ra tranh cử cho nhiệm kỳ 5 năm tới, giảm 20% so với kỳ bầu cử năm 2017.
Gửi phản hồi
In bài viết