17h20: Bế mạc kỳ họp
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau gần 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm cao, Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khoá XIX đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. HĐND tỉnh đã dân chủ thảo luận, thống nhất thông qua 11 nghị quyết thuộc các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài nguyên - khoáng sản, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục và quản lý nhà nước về dân cư, nhà ở.
Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh. Đồng chí yêu cầu ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống. Đồng chí đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung các nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, tích cực tham gia thực hiện và giám sát thực hiện.
Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ.
17h10: Kỳ họp biểu quyết các chỉ tiêu
Các đại biểu nhất trí các chỉ tiêu Nghị quyết với tỷ lệ trên 97,8%
16h55: Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cảm ơn và tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu và ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định quốc gia. Đồng chí trao đổi và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời nhấn mạnh, trên tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, mang tầm nhìn đột phá và đảm bảo tính khả thi. Do đó, nội dung Quy hoạch tỉnh tiếp tục được tập trung hoàn thiện, để đáp ứng được yêu cầu xác định trong nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
16h00: Các ngành tiếp thu và giải trình
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Phạm Mạnh Duyệt.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Phạm Mạnh Duyệt làm rõ vấn đề về môi trường. Tại khu xử lý rác thải của tỉnh tại xã Nhữ Khê và các khu vực khác trên địa bàn toàn tỉnh đều đã tính quy mô và diện tích xử lý đảm bảo lâu dài. Ngành cũng nghiên cứu, tính toán lựa chọn địa điểm khu xử lý rác thải tập trung tầm nhìn đến năm 2050. Ngành sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để tiếp tục tham mưu cho tỉnh.
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Vũ Đình Hưng.
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Vũ Đình Hưng tiếp thu ý kiến của đại biểu về một số chỉ tiêu thấp so với mục tiêu nghị quyết. Ngành giáo dục tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nâng tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập từ 1% hiện nay lên gần 5% theo quy định.
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Nguyễn Việt Lâm.
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Nguyễn Việt Lâm làm rõ một số ý kiến liên quan đến quy hoạch mạng lưới giao thông và cảng cạn ICD tại thành phố Tuyên Quang. Ngành giao thông tiếp tục căn cứ vào các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia để phát triển quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương trao đổi làm rõ một số ý kiến đại biểu nêu về chỉ tiêu về phát triển dân số, chất lượng dân số. Tỉnh đang phấn đấu tăng dần tỷ lệ dân số đô thị, giảm dân tỷ lệ dân số nông thôn. Về phát triển du lịch, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc quy hoạch du lịch đã phân định rõ các khu du lịch và phân ra 4 không gian du lịch theo 4 vùng du lịch tại các địa phương trong tỉnh gắn với các điểm du lịch. UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đại biểu, tiếp tục rà soát, bổ sung vào quy hoạch cũng như các giải pháp phát triển du lịch của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vân Đình Thảo.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vân Đình Thảo tiếp thu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Đồng thời nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh được lập đã tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, khắc phục được tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ trước đây; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược với quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; xác định đúng mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển một cách bài bản, khoa học. Khi Quy hoạch được phê duyệt, đưa vào thực hiện sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...
14h00: HĐND tỉnh tiếp tục xem xét dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày dự thảo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu tổng quát, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông lâm thủy sản hiệu quả cao và xây dựng nông thôn mới; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; đời sống mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo và từng bước cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; chất lượng môi trường được đảm bảo; tiềm lực quốc phòng được nâng lên, khu vực phòng thủ được củng cố ngày càng vững chắc; chính trị ổn định, an ninh quốc gia, an ninh con người được đảm bảo; xã hội phát triển trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phùng Tiến Quân.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng và thông qua Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy hoạch được tích hợp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, là căn cứ khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội của tỉnh và với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cả nước. Khi Quy hoạch được phê duyệt, đưa vào thực hiện sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đại biểu dự kỳ họp.
Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lập Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng bộ với quy hoạch quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. UBND tỉnh tiếp tục rà soát các nội dung trong Quy hoạch tỉnh đảm bảo có sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, bố trí không gian phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030; tiếp tục rà soát lại toàn bộ nội dung quy hoạch đảm bảo tính chính xác về số liệu, thời gian, địa giới hành chính…
Đại biểu Vũ Thị Giang.
Đại biểu Vũ Thị Giang, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ để xác định mục tiêu về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, nhất là giảm tỷ trọng các ngành dịch vụ 6,2% so với Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Trong dự thảo Quy hoạch không thấy có mục tiêu về dân số, đề nghị bổ sung mục tiêu về dân số và chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia.
Đại biểu Phạm Kiều Trang.
Đại biểu Phạm Kiều Trang, tổ đại biểu Chiêm Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc bổ sung thêm phương án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với phương án phát triển vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời xem xét thêm giải pháp phát triển đào tạo nói chung, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm rõ thêm công suất tối đa khu xử lý chất thải rắn.
Đại biểu Mai Quang Thắng, tổ đại biểu Hàm Yên dự tại điểm cầu trụ sở Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh nêu, giai đoạn 2021-2030 Tuyên Quang quy hoạch 4 sân golf gồm: Khu sân Golf Mỹ Lâm (thành phố Tuyên Quang), Sân golf và dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng, xã Tân Thanh, Hợp Hòa (Sơn Dương), Sân golf Khuôn Hà (Lâm Bình), sân golf Khu vực hồ An Khê, xã Nhữ Khê, Nhữ Hán (Yên Sơn). Nhưng trong dự thảo Nghị quyết về bổ sung danh mục dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 tỉnh Tuyên Quang có nội dung "Quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, và dự án Sân golf hồ Ngòi Là tại các xã Chân Sơn, Trung Môn, Kim Phú, huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang". Đại biểu bày tỏ băn khoăn quy hoạch sân golf hồ Ngòi Là chưa phù hợp với Quy hoạch tỉnh về sân golf.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung một số nội dung: phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao cho phù hợp với mục tiêu phát triển của huyện; bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Sán Chay và dân tộc Tày vào nội dung bảo tồn không gian văn hóa truyền thống; việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh, trong đó có điện sinh khối, điện gió, điện năng lượng mặt trời...
Đại biểu Trần Văn Tú.
Đại biểu Trần Văn Tú, tổ đại biểu Chiêm Hóa đề nghị rà soát lại số liệu tổng thể của từng huyện. Hiện nay 2 xã Minh Quang và Phúc Sơn đã được điều chỉnh về huyện Lâm Bình, vì vậy điều chỉnh diện tích tự nhiên của huyện Chiêm Hóa từ 127.882,3 ha xuống còn 114.624,2 ha. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Quy hoạch chung của tỉnh đối với huyện Chiêm Hóa trên một số lĩnh vực như đầu từ cơ sở hạ tầng thị trấn Vĩnh Lộc đạt đô thị loại IV và đầu tư các xã đạt đô thị loại V; phát triển du lịch kết nối với các huyện hình thành Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình – Chiêm Hóa và đầu tư xây dựng một số cầu mới đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên.
Đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên, tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ có bao nhiêu quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành được thông qua, có bảo đảm tính tương thích, phù hợp với quy hoạch tỉnh hay không; làm rõ quy hoạch phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với giáo dục nghề nghiệp cần huy động các nguồn lực xã hội hoá; một số giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Đại biểu cũng đề rà soát, bổ sung quy hoạch một số cây cầu trên địa bàn các huyện đảm bảo nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh, tổ đại biểu Hàm Yên dự tại điểm cầu trụ sở Văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh đề nghị cơ quan tham mưu, tư vấn đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, mang nhiều tính chất định lượng để mô tả tầm nhìn 2050 về quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu nền kinh tế, đóng góp của các khu vực, thành phần kinh tế, về tỷ lệ đóng góp của kinh tế số, quy mô dân số, thành thị nông thôn.
Đại biểu Vũ Thanh Tùng.
Đại biểu Vũ Thanh Tùng, tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề nghị làm rõ 19 mục tiêu cụ thể nêu trong dự thảo Nghị quyết đã có tính toán, so sánh về tương quan với các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; các mục tiêu đã được cập nhật theo các quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị như GRDP bình quân đầu người, bảo vệ môi trường…
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Chang, tổ đại biểu Na Hang – Lâm Bình đề nghị bổ sung tại mục quan điểm “Tập trung phát triển ba trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, nông, lâm nghiệp” thành “Tập trung phát triển ba trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, thương mại, dịch vụ; nông, lâm nghiệp, thủy sản....”. Ngoài ra, bổ sung quy hoạch xây dựng một số công trình trên địa bàn huyện Lâm Bình, Na Hang như: Trung tâm Y tế huyện Na Hang, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lâm Bình, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình. Về phương án phát triển vùng liên huyện, bổ sung vùng liên huyện bắc Tuyên Quang có vai trò vùng kinh tế nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình, tổ đại biểu thành phố Tuyên Quan đề nghị bổ sung các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số chỉ tiêu về phát triển vùng đồng bào dân thiểu số chưa được nêu trong Nghị quyết.
Đại biểu Phạm Ninh Thái.
Đại biểu Phạm Ninh Thái, tổ đại biểu Yên Sơn đề nghị cần bổ sung các kịch bản phát triển tính toán đến thiên tai, các hoạt động cấm vận trong tình an ninh chính trị của thế giới; bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng vào dự thảo nghị quyết; một số giải pháp phát triển, chưa nêu rõ về huy động vốn; giải pháp về phát triển công nghiệp cần nêu rõ việc đầu tư cho hạ tầng các khu công nghiệp, cơ chế chính sách, định hướng cụ thể các cực phát triển công nghiệp, vấn đề nhà ở cho công nhân... Đối với khu xử lý chất thải rắn dự phòng của tỉnh cần xây dựng theo hướng có nhiều sự lựa chọn địa điểm cho phù hợp.
Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Gửi phản hồi
In bài viết