Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh Duy Linh)
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Quốc hội phối hợp các cơ quan liên quan làm tốt công tác bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị kỹ công tác về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, các điều kiện về cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 23/5 sắp tới.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp Quốc hội lần tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các báo cáo, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia để có đủ cơ sở, chất lượng tốt nhất trình ra Quốc hội.
Về việc chuẩn bị nội dung, thời gian, thời lượng của Kỳ họp lần thứ ba, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận, đề nghị Tổng thư ký Quốc hội khẩn trương chỉnh sửa và xin ý kiến các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội để phát hành chính thức. Chuẩn bị tốt cuộc họp giữa Đảng đoàn với Ban Cán sự Đảng và các cơ quan hữu quan, dự kiến tổ chức vào chiều ngày 20/5, trước khi tiến hành kỳ họp lần thứ 3.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây là ba dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Nguồn vốn cho ba dự án này thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ, bố trí khoảng 33.494 tỷ đồng.
Cho ý kiến vào nội dung này, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời khẳng định, việc đầu tư các tuyến cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng giao thông đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.
Hiện nay, các tỉnh thuộc phạm vi các dự án, đang triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh, đề nghị các địa phương này cần cập nhật, cụ thể hóa các dự án trong quy hoạch của tỉnh, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Nhất là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022-2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai. Đồng thời, chỉ nên giao cho một cơ quan có đủ năng lực và kinh nghiệm chủ trì thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của các dự án này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết