PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, bệnh phổi kẽ là bệnh gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương vừa ra mắt Chương trình bệnh phổi kẽ do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương làm Chủ nhiệm. Chương trình bệnh phổi kẽ ra đời với mong muốn huy động được sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đồng thời huy động nguồn lực và cơ chế hợp tác để chuẩn hóa, phát triển kỹ thuật hiện đại, tạo ra các gói dịch vụ cho người bệnh và tạo mạng lưới để người dân tiếp cận thuận lợi.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, bệnh phổi kẽ là bệnh gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, tổn thương không thể hồi phục.
Bệnh phổi kẽ có tiên lượng rất xấu, 50% ca bệnh tử vong sau 2,5 năm phát hiện bệnh, có trường hợp tử vong sau vài tháng; 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. So với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính nhiều hơn. Tại BV Phổi Trung ương, nếu bệnh nhân được phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm và được điều trị hiệu quả thì tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 80%, có trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn nhưng cũng có thể sống trên 3 năm.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ, bệnh phổi kẽ khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác liên quan đến phổi hoặc bị bỏ qua. Bệnh phải điều trị suốt đời, thuốc điều trị hiện nay rất đắt, vì vậy quyết định điều trị bệnh cần phải chính xác.
Một bệnh nhân điều trị bệnh phổi kẽ tại BV Phổi Trung ương. Ảnh: VGP/Hiền Minh
"Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh phổi kẽ, tỉ lệ kéo dài sự sống của bệnh nhân lên tới 80%; số bệnh nhân sống từ 1-2 năm khoảng hơn 60%; 2-4 năm khoảng 40%", Chủ nhiệm chương trình bệnh phổi kẽ cho biết.
Trên thế giới, thống kê tại Mỹ và châu Âu cho thấy, tỉ lệ người dân mắc bệnh phổi kẽ khoảng 70/100.000 dân. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước tính, cả nước có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ. Điều đáng nói là bệnh phổi kẽ không phải là bệnh mới, nhưng đây là căn bệnh không lây nên nó ít được quan tâm.
Hiện nay, trên thế giới đã có những kỹ thuật khoa học hiện đại để phát hiện sớm bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, chụp cắt lớp độ phân giải cao, dấu ấn sinh học…
Tại BV Phổi Trung ương, từ 3 năm nay đã thành lập hội đồng đa chuyên khoa để chẩn đoán bệnh phổi kẽ tốt hơn dựa trên những bằng chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các khoa. Qua quá trình này, các bác sĩ nhận định, bệnh phổi kẽ nếu được phát hiện, điều trị sớm thì sức khỏe của người bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt, nếu điều trị muộn, tiên lượng rất xấu.
Chính vì vậy, BV đã thành lập Chương trình bệnh phổi kẽ để "hội tụ" được nhiều nguồn lực bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, trang thiết bị và tài chính, nhằm chuẩn hóa về kỹ thuật để phục vụ người bệnh tốt hơn, đồng thời tạo mạng lưới về bệnh phổi kẽ để người dân có thể tiếp cận hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, nếu người bệnh cảm thấy khó thở mà không phải hen, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì nên đi khám sớm vì có thể có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ. BV sẽ chẩn đoán qua chẩn đoán hình ảnh, những thầy thuốc chuyên khoa cũng có thể nhận biết chỉ điểm nhưng xác định rõ nhất hiện nay vẫn là kỹ thuật cao như các dấu ấn sinh học...
Đa số người mắc bệnh phổi kẽ trên 40 tuổi. Nguyên nhân do bệnh nghề nghiệp, bụi phổi… Số ít trẻ sơ sinh bị bệnh phổi kẽ bẩm sinh như xơ nang phổi.
Gửi phản hồi
In bài viết