Tu viện Punakha Dzong, một trong những tu viện lớn nhất châu Á, ở Punakha, Bhutan. (Ảnh: Shutterstock)
Khi vương quốc trên dãy Himalaya mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch vào tháng 9 năm ngoái sau hơn hai năm đóng cửa vì đại dịch, Bhutan đã tăng “Phí phát triển bền vững” (SDF) lên 200 USD với mỗi du khách mỗi đêm từ mức 65 USD đã được áp dụng trong suốt 30 năm.
Các nhà chức trách cho biết việc áp dụng SDF để thu hút khách du lịch có điều kiện, hạn chế khách du lịch đi bụi vốn gây hại tới môi trường. Số tiền từ SDF để duy trì cảnh quan nguyên sơ và bù đắp lượng khí thải carbon do du khách để lại.
Bhutan cũng cấm leo núi để bảo tồn sự tôn nghiêm của các đỉnh núi và chỉ thu hút một phần nhỏ khách du lịch đến thăm Nepal gần đó.
Có hiệu lực từ tháng 6 cho đến hết năm 2024, khách du lịch trả phí hằng ngày trong 4 ngày sẽ được phép ở lại thêm 4 ngày. Những người trả phí phát triển bền vững cho 12 ngày có thể ở lại cả tháng.
Ông Dorji Dhradhul, Bộ trưởng Du lịch Bhutan cho biết: “Nếu nhiều khách du lịch ở lại Bhutan lâu hơn, du lịch có thể giúp nền kinh tế của chúng tôi phát triển nhanh hơn”.
Quy định ưu đãi trên chỉ áp dụng cho khách du lịch thanh toán bằng USD, không áp dụng cho du khách từ nước láng giềng Ấn Độ thanh toán bằng đồng rupee.
Ông Dhradhul cho biết, Bhutan muốn dần dần nâng mức đóng góp của du lịch lên 20% cho nền kinh tế trị giá 3 tỷ USD từ mức khoảng 5% hiện nay.
Theo thống kê của cơ quan du lịch Bhutan, từ tháng 1 năm nay, hơn 47.000 khách du lịch đã đến thăm Bhutan và đất nước này đang trên đà đạt được mục tiêu “khiêm tốn” là đón 86.000 du khách vào cuối năm, so với mức khoảng 315.600 khách trong năm 2019, năm trước đại dịch.
Gửi phản hồi
In bài viết