Châu Á - châu Đại Dương
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi nhiều nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Ngày 20-6, Indonesia có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 1-2021 (12.906 ca) và có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất (248 ca) kể từ đầu tháng 4.
Malaysia có 5.293 ca nhiễm mới và thêm 60 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, đáng lo ngại là có tới 5.286 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 696.408 ca nhiễm và 4.408 ca tử vong. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo, số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 trường hợp mỗi ngày nếu Chính phủ Malaysia không áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết, nước này đang nghiên cứu khả năng rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 từ 12 tuần xuống còn 6 tuần.
Thái Lan ngày 20-6 ghi nhận thêm 3.682 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 20 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 281.131 ca, trong đó có 1.629 người không qua khỏi.
Bộ Y tế Philippines thông báo đã phát hiện 5.803 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.359.015 trường hợp.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 3 ca nhiễm mới (gồm 2 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay), nâng tổng số ca bệnh tại Lào cho đến nay lên 2.053 ca. Thời gian qua, mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện tương đối tốt nhưng Lào vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, trong bối cảnh biến chủng mới nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch khiến dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Hàn Quốc ngày 20-6 đã công bố các quy định giãn cách xã hội mới cho phép tụ tập nhiều người hơn và dỡ bỏ các quy định đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chương trình tiêm chủng phòng dịch Covid-19 được đẩy nhanh. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết, bắt đầu từ ngày 1-7 tới, chính phủ nước này sẽ cho phép các cuộc tụ tập lên đến 6 người ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Con số này sẽ được nâng lên 8 người sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 tuần.
Tại Australia, Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan tuyên bố, chính phủ nước này "không vội" mở cửa trở lại các cửa khẩu quốc tế.
Trong khi đó, chính quyền bang Queensland, Australia, ngày 20-6 thông báo đã ghi nhận một ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đáng chú ý, trường hợp mới này được xác nhận mắc biến chủng Delta sau khi hoàn thành chương trình cách ly y tế trong 14 ngày. Sự việc tiếp tục làm dấy lên mối quan ngại về khả năng lây nhiễm của biến chủng lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ và thời gian cách ly hiệu quả để đảm bảo ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Điểm sáng trong thông tin dịch bệnh ngày 20-6 là Trung Quốc đại lục, tính đến nay đã sử dụng hơn 1 tỷ mũi vắc xin ngừa Covid-19 tiêm chủng cho người dân nước này, chiếm hơn 1/3 trong tổng số hơn 2,5 tỷ liều vắc xin toàn thế giới tiêm chủng cho đến nay. Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa hiện đại.
Châu Âu
Dịch bệnh có chiều hướng xấu đi tại Nga khi nước này thông báo có thêm 17.611 ca nhiễm trong ngày 20-6, riêng thủ đô Mátxcơva tập trung 8.305 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 5.316.826 ca.
Biến chủng Delta hiện đã lan rộng ở Bồ Đào Nha và xuất hiện tại một số khu vực ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Báo cáo phân tích dữ liệu của tờ Financial Times cho biết biến chủng này đang chiếm tới 96% các ca mắc mới Covid-19 tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được hai tháng qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do Covid-19 xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.
Tại Bồ Đào Nha, biến chủng Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi chiếm hơn 60% tổng số ca mắc Covid-19 trong tuần qua tại nước này. Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi khu vực này và các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này sang các khu vực khác trong nước.
Các nhà khoa học châu Âu đang tập trung vào Anh để dự báo về diễn biến của đại dịch cũng như tìm ra những biện pháp ứng phó. Đây là nơi số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp ba trong tháng qua với biến chủng Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca mắc.
Châu Mỹ
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Peru đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại đến từ Nam Phi, Brazil và Ấn Độ cho đến ngày 11-7. Theo biện pháp được áp dụng lần đầu tiên vào ngày 10-5, những người Peru đến và đi qua những nước này sau khi nhập cảnh Peru sẽ phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba dẫn dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối, cho biết, vắc xin Soberana 2 do nước này sản xuất cho hiệu quả phòng Covid-19 lên đến 62% chỉ với 2 trong số 3 liều tiêu chuẩn. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch Covid-19 do sự xuất hiện của các biến chủng mới dễ lây. Cuba hiện có 5 ứng cử viên vắc xin phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 2 loại là Soberana 2 và Abdala đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.
Gửi phản hồi
In bài viết