Biến thách thức từ việc áp thuế thành cơ hội

Chiều 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng từ ngày 5/4 cho mọi hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại toàn cầu. Từ ngày 9/4, mức thuế đối ứng cao hơn sẽ tiếp tục được áp cho các quốc gia mà theo Mỹ đánh giá đang “có sự mất cân bằng thương mại”, trong đó Việt Nam sẽ phải chịu mức áp thuế lên đến 46%.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Bắc Giang. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Bắc Giang. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân chiều 3/4, Vụ trưởng Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh cho biết: "Bộ Công thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bởi Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp.

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ, ngược lại còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước".

TÁC ĐỘNG TỚI NHIỀU NGÀNH SẢN XUẤT

Bộ Công thương đặt mục tiêu năm 2025, xuất khẩu tăng trưởng 12%, đạt khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký. Việc áp thuế sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Theo công bố, mức thuế 46% Việt Nam dự kiến phải chịu chỉ thấp hơn Campuchia (49%), Lào (48%) và Madagascar (47%), trong khi lại cao hơn đáng kể so với các nước Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Trung Quốc (34%), Thái Lan (36%), Bangladesh (37%),…

Tiến sĩ Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng ban nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) nhận định, mức thuế áp cao hơn từ 10-20% so các đối thủ sẽ làm giảm mạnh khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD sang Mỹ, bao gồm: Nhóm hàng máy tính và linh kiện có kim ngạch hơn 23 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch; dệt may đạt 16,2 tỷ USD, chiếm hơn 13,5%; thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 2%;… Đây cũng là những nhóm hàng sẽ chịu tác động mạnh từ việc Mỹ áp thuế.

Biến thách thức từ việc áp thuế thành cơ hội ảnh 1

Mức thuế áp cao hơn từ 10-20% so các đối thủ sẽ làm giảm mạnh khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết: "Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tương đối lớn, nên ảnh hưởng chắc chắn là có. Doanh nghiệp dệt may của ta chủ yếu làm gia công, giá trị mang lại thấp, khi mức thuế quá cao sẽ không có lãi. Đơn cử, một chiếc áo giá bán 20 USD thì giá gia công chỉ khoảng 6 USD, nếu áp thuế gần 50% khả năng doanh nghiệp còn bị lỗ.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần có định hướng ứng phó, chủ động đàm phán với khách hàng cùng san sẻ chi phí thuế. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chuyển sang sản xuất theo phương thức FOB để đẩy phần thuế về phía người cung cấp nguyên liệu, đồng thời đa dạng hóa thị trường, nhất là hướng tới các thị trường mới, thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nga, Trung Đông, châu Phi,... hạn chế phụ thuộc sâu vào thị trường Mỹ".

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) Trần Văn Lĩnh thông tin: "Việt Nam là “cường quốc” trong lĩnh vực xuất khẩu tôm chế biến sâu, đem lại doanh thu cao, nhưng phần lớn lại bù đắp cho thất thoát trong nuôi trồng nên biên độ lợi nhuận thấp. Với mức áp thuế như trước đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ, chủ yếu chỉ để sử dụng hết năng lực sản xuất, duy trì thị phần, bảo vệ các mối quan hệ kinh tế đã dày công vun đắp nhiều năm và chờ đợi thay đổi chính sách theo chiều hướng có lợi. Tuy nhiên, với mức thuế đối ứng lên đến 46%, doanh nghiệp sẽ không còn lợi nhuận.

Để ứng phó, công ty sẽ tính toán lại cơ cấu sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sâu, chuyển hướng mở rộng các thị trường thay thế tiềm năng như Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm vẫn sẽ là những chiến lược quan trọng của công ty trước những “bất trắc” của thị trường".

Ông Trần Văn Lĩnh bày tỏ mong muốn các ban, ngành chức năng sẽ cùng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, những người nuôi trồng và chế biến huy động sức mạnh trí tuệ tập thể, sớm đề ra chính sách, biện pháp ứng phó hiệu quả và thực tiễn với những thay đổi bất lợi của thị trường.

LINH HOẠT ỨNG PHÓ, BIẾN NGUY THÀNH CƠ

Nhiều chuyên gia nhận định mức thuế ông Donald Trump vừa công bố cơ bản là “chiếc gậy” buộc các nước phải đàm phán, chấp nhận và thực thi các điều khoản thương mại mới có lợi cho Mỹ. Vì vậy, trước khi việc áp thuế chính thức có hiệu lực, Việt Nam cần có ngay những quyết sách mang tính đột phá trong đàm phán với Mỹ, thậm chí bảo đảm hàng hóa từ Mỹ sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất có thể. Nếu mức thuế phía Mỹ áp cho Việt Nam sắp tới được điều chỉnh giảm sẽ là cơ hội rất lớn để hàng hóa sản xuất trong nước tiếp tục duy trì, nâng cao sức cạnh tranh; Việt Nam cũng có thêm sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung xử lý hàng loạt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Bộ Công thương cũng vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược theo nội dung đã trao đổi với Đại diện Thương mại và các bộ, ngành liên quan của Mỹ. Đây là tuyên bố của Việt Nam được hiện thực hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cấp Chính phủ, cho thấy rõ quyết tâm, mong muốn hợp tác với phía Mỹ một cách bền vững, hướng tới cán cân thương mại hài hòa giữa hai nước.

Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết: "Các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Mỹ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, khắc phục hoặc giảm nhẹ. Do đó, Bộ Công thương cho rằng còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới kết quả hai bên cùng có lợi.

Sáng ngày 3/4, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Bộ cũng đang thu xếp các cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất".

Đồng ý việc Mỹ áp thuế sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên TS Bùi Quý Thuấn lại thấy cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh trong nước đang thực hiện cuộc cách mạng các cải cách về thể chế, thúc đẩy tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc phải chịu thuế cao từ Mỹ cũng là áp lực buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng ra nhiều thị trường mới tiềm năng như Trung Đông, Bắc Mỹ, châu Phi,… Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có thể quay về khai thác tốt hơn thị trường trong nước với dung lượng hơn 100 triệu dân khi xuất khẩu gặp khó.

"Tôi cho rằng tác động tiêu cực sẽ rõ rệt trong ngắn hạn, nhất là với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may - da giày, đồ gỗ và nội thất,… Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên cũng sẽ càng thách thức, nhưng chúng ta cần biến áp lực thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai", TS Thuấn nói.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục