Biến thể phụ của biến thể Omicron làm tăng ca nhiễm ở Mỹ và châu Âu nhưng không đe dọa.
Ảnh: BLOOMBERG
Theo số liệu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 22-3, tỉ lệ nhiễm biến thể BA.2 tăng từ 23% vào tuần trước lên 35% sau một tuần và tập trung nhiều ở vùng đông bắc như Connecticut, Maine, Massachusetts và New Hampshire.
Theo Đài NBC News, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ nhận định biến thể phụ BA.2 không có khả năng gây ra nhiều ca bệnh nặng hoặc làm quá tải các bệnh viện như các biến thể trước, ngay cả khi BA.2 được ước tính là có khả năng lây truyền cao hơn 30% so với biến thể Omicron gốc.
Tiến sĩ John Brooks, nhà dịch tễ học và là giám đốc y tế phụ trách phản ứng với COVID-19 của CDC, cho biết dù các ca nhiễm liên quan đến BA.2 có thể tăng lên, số ca bệnh nặng hoặc tử vong sẽ không tăng. Nguyên nhân là vì nhiều người Mỹ đã bị nhiễm biến thể Omicron, và do đó có khả năng có miễn dịch cao với các biến thể phụ của nó, trong đó có BA.2.
Việc bị nhiễm biến thể Omicron có thể mang lại sự bảo vệ, không nhất thiết giúp chúng ta không bị nhiễm nhưng có thể không gây bệnh nặng hoặc tử vong.
Ngoài ra, nhiều người ở Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 nên cũng được bảo vệ.
Dữ liệu do NBC News thu thập cho thấy Mỹ đang có khoảng 32.884 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, thấp hơn đáng kể so với mức gần 810.000 ca nhiễm hồi giữa tháng 1-2022.
Ngày 22-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Ý và Vương quốc Anh đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 quá nhanh, do đó số ca nhiễm COVID-19, có thể do biến thể phụ BA.2 của Omicron, đang tăng lên ở các nước này.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge lạc quan nhưng cảnh giác về tiến triển của COVID-19 tại châu Âu. Theo ông, số ca mắc COVID-19 đang trên đà gia tăng tại 18/53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu.
BA.2 mặc dù dễ lây lan hơn nhưng biến thể này không gây nguy hiểm so với những biến thể khác.
Gửi phản hồi
In bài viết