Biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận

- Ngày 27-9, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận, giai đoạn 2016-2021.

Dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐQBH tỉnh và 92 đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận được biểu dương trong dịp này. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: Thành Công

Tỉnh Tuyên Quang có trên 78 vạn dân, trong đó có 53,7% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị từ cơ sở. Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng cho các chương trình phát triển khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, 99,7% đường ôtô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ hơn 5.968 hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch cộng đồng; chất lượng giáo dục ngày được nâng lên, hằng năm có hơn 149.000 học sinh (chiếm 65% học sinh toàn tỉnh) là con em của đồng bảo dân tộc thiểu số được hỗ trợ đến trường học tập. Cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Hiện có trên 6.800 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đang công tác trong các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường của tỉnh, chiếm 34,9% số cán bộ, công chức toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỷ lệ cao, nhiệm kỳ 2015-2020 chiếm 43,1%, nhiệm kỳ 2020-2025 chiếm 41,66%; tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm 52,5%, nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 54,55%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,81% năm 2016 xuống còn 9,03% năm 2020 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 43,45% xuống còn 15,03%); đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bảo dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng trao Giấy khen cho các cá nhân.
Ảnh: Thành Công

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề nghị công tác Dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần nhanh chóng cụ thể hóa tinh thần, nội dung về công tác dân vận được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Quyết định số 23 của Ban Bí thư ban hành Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị. Tỉnh tiếp tục tham mưu cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp công tác dân vận ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thường xuyên nắm tình hình đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” viết năm 1949: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác dân vận nói chung và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng này, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tiên phong, gương mẫu của người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu là rất quan trọng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị từ cơ sở.

Hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 20 cá nhân, Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng Giấy khen cho 72 cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021.


Ý kiến của đại biểu tại Hội nghị Biểu dương người dân tộc thiểu số tiêu biểu
trong thực hiện công tác dân vận 


Đồng chí Triệu Thị Yên
Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Chiêm Hóa

 

Để thực hiện tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số, theo tôi trước hết phải tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó phải đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của những người có uy tín trong dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là những người trực tiếp sâu sát cơ sở, sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên rất thuận lợi cho công tác dân vận. Cấp ủy đảng cần quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này.


Đồng chí Hoàng Thị Hoa
Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nà Lũng, xã Khau Tinh (Na Hang)

 

Những năm qua, nhân dân thôn luôn đoàn kết phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thôn phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng nhân dân rất quyết tâm, nhất là trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn đã đẩy mạnh trồng cây ăn quả, trồng rau trái vụ, mở rộng diện tích trồng lạc, chăn nuôi lợn đen. Để hoànthành được mục tiêu trên thì công tác dân vận phải được đẩy mạnh. Vì vậy, những người làm công tác dân vận của thôn luôn phải là những người đi trước, làm trước để nhân dân làm theo.


Đồng chí Chu Văn Minh
Dân tộc Sán Dìu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Đa 2, xã Ninh Lai (Sơn Dương)

 

Thôn Cây Đa 2 có 106 hộ, 452 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 98%. Tôi luôn nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng, dân vận phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bản thân tôi và mỗi đảng viên trong chi bộ luôn coi việc nêu gương, “nói đi đôi với làm”, “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là yếu tố then chốt để thực hiện công tác dân vận ở cơ sở. Tôi cho rằng, bên cạnh phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, đảng viên thì tùy theo tình hình thực tế, cấp ủy cơ sở cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác dân vận hàng năm để lãnh đạo. Chi bộ cần chú trọng xây dựng nhân rộng mô hình điển hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của địa phương, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, kịp thời quan tâm, biểu dương, nêu gương cá nhân thực hiện tốt công tác dân vận.


Đồng chí Hoàng Thị Ánh
Dân tộc Tày, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên)

 

Thôn Làng Soi, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 63 hộ, 229 nhân khẩu, 5 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Những năm qua, thôn có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 11 hộ năm 2016 xuống còn 2 hộ vào năm 2020. Nhân dân trong thôn đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ thực tiễn của cơ sở, để làm công tác vận động phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôi và các đảng viên trong chi bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị, định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Qua đó, phát huy vai trò “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong xây dựng các mô hình và thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế. Chi bộ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Là cán bộ thôn, chúng tôi luôn gần gũi với nhân dân để lắng nghe và vận động.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục