Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo - Triển lãm VDF-2023: “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, diễn ra ngày 21-9 tại Hà Nội, do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cùng Tập đoàn IEC tổ chức.
Quang cảnh hội thảo.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, tại Việt Nam, quá trình thực hiện chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp trên tất cả lĩnh vực, trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu. Trong các cơ quan nhà nước, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số đã xác định dữ liệu là yếu tố trọng tâm. Trong xã hội, các doanh nghiệp đang tăng cường ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; dữ liệu được tạo ra ngày càng nhiều, ở khắp mọi nơi với nội dung phong phú, đa dạng.
Còn ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, trong bối cảnh ngành hải quan xây dựng các phương pháp xác định giá tính thuế, khi áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu (Big data, Data science), thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, áp dụng các mô hình phân tích khuyến nghị về giá thì sẽ mang lại lợi ích là hỗ trợ đưa ra mức giá tham khảo cho cơ quan thuế và hải quan xây dựng giá tính thuế; hỗ trợ phân tích chống chuyển giá ngành thuế.
“Hay đối với thị trường chứng khoán, hiện còn tồn tại các giao dịch nội gián, thao túng thị trường, khi áp dụng giải pháp Big data, AI để giám sát giao dịch thời gian thực, phát hiện các giao dịch khả nghi và đưa ra ra cảnh báo hoặc ngăn chặn thì lợi ích mang lại là bảo đảm tính minh bạch của thị trường”, ông Nguyễn Minh Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, việc chuyển đổi số và ứng dụng dữ liệu số đã góp phần tăng cường huy động nguồn lực ngân sách. Tính đến tháng 6-2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế; số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hóa đơn. Về hải quan, đã có 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia với 63.000 doanh nghiệp tham gia.
Liên quan đến dữ liệu lớn (Big data) trong quản lý thuế, bà Ứng Kim Phượng, Giám đốc Phân tích dữ liệu Viettel Solutions chia sẻ, trên thế giới, nhiều cơ quan thuế đã sử dụng Big data để chống gian lận thuế, ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty và tư nhân, tăng cường cơ chế tuân thủ nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh hội thảo, các doanh nghiệp trưng bày nhiều sản phẩm công nghệ
Tại Việt Nam, thách thức với ngành thuế hiện nay là công nghệ thay đổi với tốc độ “chóng mặt”; nhiều loại hình kinh doanh mới, như: Tiền điện tử, thương mại điện tử...; các hành vi trốn thuế ngày càng tinh vi. Vì vậy, khi áp dụng Big data trong quản lý thuế sẽ giúp tăng số thu ngân sách, giảm chi phí vận hành, đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh áp dụng Big data, dữ liệu số, như cần thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách nhà nước; xây dựng tổng kho dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và các bên liên quan đẩy mạnh việc kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu...
Chiều cùng ngày, hai hội thảo chuyên đề diễn ra song song gồm “Đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số” và “Tối ưu hóa dữ liệu số trong chuyển đổi số ngành tài chính”.
Gửi phản hồi
In bài viết