Bình chọn Cúp Chiến thắng 2022 cho cá nhân, tập thể xuất sắc của thể thao Việt Nam

Ngày 22/9, sau 2 năm tạm hoãn vì dịch Covid -19, Cúp Chiến thắng lần thứ 6 năm 2022, giải thưởng hằng năm hàng đầu quốc gia tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam đã chính thức trở lại.

Phó Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn phát biểu tại buổi họp giới thiệu Cúp Chiến thắng 2022.

Cúp chiến thắng 2022 “Oscar thể thao Việt” do Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) và Công ty cổ phần Nội dung Thể thao Việt (Vietcontent Sports) phối hợp Tổng cục Thể dục-Thể thao tổ chức, bao gồm 11 hạng mục, sẽ khép lại hoàn hảo cho kỳ SEA Games 31 thành công toàn diện trên sân nhà.

Với mục đích tôn vinh các tập thể và cá nhân vận động viên (VĐV) Việt Nam có thành tích thi đấu thể thao xuất sắc trong năm, từ năm 2015, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, Vietcontent Sports và Tổng cục Thể dục-Thể thao đồng tổ chức giải thưởng Cúp Chiến thắng.

Qua 5 lần tổ chức, Cúp Chiến thắng với mô hình khác biệt cùng sự chuyên nghiệp trong việc bình chọn, tổ chức đã ngày càng khẳng định vị thế của một giải thưởng hàng đầu quốc gia, một sự kiện đồng hành đặc biệt của thể thao Việt Nam, với sức lan tỏa cùng hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng thể thao và người hâm mộ cả nước.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tôn vinh những cá nhân, tập thể xứng đáng nhất trong năm, Cúp Chiến thắng thực sự trở thành một đích nhắm, động lực phấn đấu của các huấn luyện viên (HLV), VĐV.

Từ “bệ phóng” Cúp Chiến thắng, qua cả hành trình liên tục 5 năm, cũng như từng năm, nhiều gương mặt, nhất là các cá nhân trẻ đã trưởng thành vượt bậc, tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế như HLV đội tuyển quốc gia điền kinh Nguyễn Mạnh Hiếu và hai “kình ngư” tài năng đã liên tục có những bước tiến vượt bậc như Huy Hoàng, Hưng Nguyên hoặc kỳ thủ cờ vua nhí đặc biệt Nguyễn Lê Cẩm Hiền cùng nhiều thành viên của các đội tuyển bóng đá…

Năm 2022, sau 2 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải thưởng Cúp Chiến thắng 2022, lần thứ 6 sẽ tiếp tục được tổ chức với sự đầu tư kỹ lưỡng, nhiều nội dung đổi mới, hứa hẹn những bước đột phá mới.

Cúp Chiến thắng 2022 có tổng số 11 hạng mục, bao gồm: Nam VĐV của năm; Nữ VĐV của năm; VĐV Trẻ của năm; Huấn luyện viên của năm; Đội tuyển của năm; Đồng đội của năm; VĐV được yêu mến nhất; VĐV thể thao người khuyết tật xuất sắc của năm; Hình ảnh, khoảnh khắc thể thao ấn tượng của năm; Giải thưởng thành tựu trọn đời và Chuyên gia nước ngoài xuất sắc của năm.

Với 11 hạng mục, giải thưởng đã có thể đáp ứng mục tiêu ghi nhận và tôn vinh một cách toàn diện nhất, đầy đủ nhất các cá nhân, tập thể xuất sắc, các hoạt động nổi bật trong một năm, nhất là khi Việt Nam lần thứ 2 đăng cai SEA Games thành công toàn diện với điểm nhấn là chiến tích giành 205 Huy chương vàng, đứng ngôi nhất toàn đoàn.

Ban tổ chức cùng Hội đồng Bình chọn đã quyết định tăng số lượng đề cử của các hạng mục một cách linh hoạt và phù hợp. Riêng 2 hạng mục Nam VĐV của năm và Nữ VĐV, mỗi hạng mục có chín ứng cử viên, đồng thời vẫn duy trì việc xem xét bổ sung những gương mặt đạt thành tích xuất sắc đến phút chót.

Tổng giá trị giải thưởng của Cúp Chiến thắng lên đến 700 triệu đồng, trong đó gương mặt chiến thắng hạng mục Nam VĐV của năm và Nữ VĐV của năm nhận mức 100 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại lễ công bố, Ban tổ chức cũng trao phần thưởng đặc biệt cho cựu VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn người đã phải chờ đợi tới 8 năm mới được nhận lại tấm Huy chương đồng Olympic 2012, cũng là VĐV thứ 4 của thể thao Việt Nam đoạt được huy chương Olympic. Phần thưởng 25 triệu đồng trích từ phần thưởng hạng mục Hình ảnh ấn tượng của năm Cúp Chiến thắng 2019, sẽ góp phần ghi nhận thành quả, tài năng, nỗ lực và chia sẻ cả sự thua thiệt của Quốc Toàn thời gian qua.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, đồng Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Cúp chiến thắng 2022 cho biết: “Cúp Chiến thắng đã là nguồn động lực mạnh mẽ, bền bỉ trong suốt cả năm đối với các HLV, VĐV và là một sự kiện quan trọng được chờ đón vào mỗi dịp cuối năm của thể thao Việt Nam. Giải thưởng lần này càng đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa bởi diễn ra trong năm Việt Nam lần thứ hai đăng cai thành công SEA Games”.

Kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Oanh bày tỏ: “Chỉ việc xuất hiện trong những cái tên được đề cử đã là một niềm vinh dự” và một mục tiêu quan trọng mà nữ VĐV này đặt ra cho mình là “Tiếp tục phấn đấu tập luyện, thi đấu để hy vọng đứng trên bục cao nhất nhận Cúp Chiến thắng”.

Đêm Gala trao giải dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1/2023 và được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình thể thao và online thuộc VTVcab, các hạ tầng xuất bản online của Vietcontent qua webthethao.vn trên các nền tảng số và mạng xã hội.

Danh sách cá nhân, tập thể đề cử ở các hạng mục

1. Nữ vận động viên của năm:

Mã số 01: Phạm Thị Huệ (rowing, Đà Nẵng) giành 3 HCV SEA Games 31.

Mã số 02: Nguyễn Thị Hương (canoeing, Vĩnh Phúc) giành 5 HCV SEA Games 31.

Mã số 03: Nguyễn Thị Huyền (điền kinh, Nam Định) giành 2 HCV SEA Games 31.

Mã số 04: Huỳnh Như (bóng đá nữ, TP Hồ Chí Minh) giành HCV SEA Games 31, đoạt suất dự World Cup.

Mã số 05: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh, Bắc Giang) giành 3 HCV, phá 1 kỷ lục Đại hội tại SEA Games 31.

Mã số 06: Phạm Thị Hồng Thanh (cử tạ, Nghệ An) giành 01 HCV, phá 3 kỷ lục tại SEA Games 31.

Mã số 07: Nguyễn Thị Thật (xe đạp, An Giang) giành 2 HCV SEA Games 31.

Mã số 08: Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền, Long An), giành hạng 4 Cúp nữ châu Á (AVC Cup), HCB SEA Games 31, xuất ngoại thi đấu thành công tại giải Vô địch quốc gia Nhật Bản.

Mã số 09: Dương Thúy Vi (wushu, Hà Nội) giành 2 HCV SEA Games 31, 1 HCV World Games 2022.

2. Nam vận động viên của năm

Mã số 21: Phạm Thanh Bảo (bơi, Bến Tre) giành 2 HCV, phá 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

Mã số 22: Nguyễn Huy Hoàng (bơi, Quảng Bình) giành 5 HCV, phá 2 kỷ lục Đại hội tại SEA Games 31.

Mã số 23: Lý Hoàng Nam (quần vợt, Tây Ninh) giành HCV đơn nam SEA Games 31, lọt vào Top 300.

Mã số 24: Trần Hưng Nguyên (bơi, Quân đội) giành 4 HCV, phá 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

Mã số 25: Lương Đức Phước (điền kinh, Đồng Nai) giành 1 HCV SEA Games 31.

Mã số 26: Hoàng Nguyên Thanh (điền kinh, Bình Phước) giành 1 HCV marathon nam.

Mã số 27: Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ, Hà Nội) giành 3 HCV SEA Games 31.

Mã số 28: Lại Gia Thành (cử tạ, Hà Nội) giành 1 HCV, phá 2 kỷ lục tại SEA Games 31.

Mã số 29: Nguyễn Đức Tuân (bóng bàn, Hải Dương) giành HCV đơn nam SEA Games 31.

3. Vận động viên trẻ của năm:

Mã số 31: Phan Văn Đông (sinh 2004, esports, Hà Nội) giành 1 HCV cá nhân nội dung PUBG Mobile.

Mã số 32: K’Dương (sinh 2006, cử tạ, Lâm Đồng) giành 3 HCV, phá 3 kỷ lục lứa tuổi thanh thiếu niên thế giới hạng 55kg nam tại giải Trẻ Vô địch châu Á 2022.

Mã số 33: Trần Hưng Nguyên (sinh 2003, bơi, Quân đội) giành 4 HCV, phá 2 kỷ lục tại SEA Games 31.

Mã số 34: Phí Thanh Thảo (sinh 2004, bắn súng, Quân đội) giành 1 HCV SEA Games 31.

Mã số 35: Đỗ Tú Tùng (sinh 2004, cử tạ, Bắc Ninh) giành 3 HCV lứa tuổi trẻ tại giải Trẻ Vô địch châu Á 2022.

4. Huấn luyện viên của năm

Mã số 41: Mai Đức Chung (HLV trưởng Đội tuyển quốc gia bóng đá nữ) dẫn dắt Đội tuyển quốc gia Việt Nam vượt qua vòng loại lần đầu giành quyền dự tranh World Cup, đoạt HCV SEA Games 31.

Mã số 42: Lưu Văn Hoàn (HLV Đội tuyển quốc gia Canoeing) chỉ đạo, huấn luyện các học trò giành 8 HCV SEA Games 31.

Mã số 43: Lê Văn Quang (HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Rowing) chỉ đạo, huấn luyện các học trò giành 8 HCV SEA Games 31

Mã số 44: Trần Văn Sỹ (HLV Đội tuyển quốc gia điền kinh) chỉ đạo, huấn luyện các học trò giành 8 HCV, phá 01 kỷ lục SEA Games 31.

Mã số 45: Lưu Văn Thắng (HLV trưởng ĐTQG cử tạ) chỉ đạo, huấn luyện các học trò giành 3 HCV, phá 6 kỷ lục

Mã số 46: Nguyễn Hoàng Vũ (HLV ĐTQG bơi) chỉ đạo, huấn luyện học trò giành 11 HCV, phá 4 kỷ lục SEA Games 31.

5. Chuyên gia nước ngoài xuất sắc của năm

Mã số 51: Park Hang Seo (Hàn Quốc,bóng đá nam) dẫn dắt Đội tuyển U23 bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31, Đội tuyển quốc gia lần đầu tham dự và giành 4 điểm tại vòng loại thứ 3 World Cup.

Mã số 52: Dư Chí Quốc (Trung Quốc, bóng bàn) có công huấn luyện, chỉ đạo học trò giành tấm HCV đơn nam SEA Games 31 sau 19 năm.

Mã số 53: Kim Kil Tae (Hàn Quốc, taekwondo), chỉ đạo, huấn luyện phân đội Taekwondo nữ đoạt 5 HCV trong tổng số 7 hạng cân SEA Games 31.

Mã số 54: Matt Van Pelt (Mỹ, bóng rổ nam) dẫn dắt Đội tuyển quốc gia bóng rổ nam 3x3 giành tấm HCB lịch sử tại SEA Games 31.

Mã số 55: Siyana Bozhilova (Bulagaria, Thể dục Aerobic) chỉ đạo, huấn luyện học trò giành 1 HCV, 2 HCĐ giải vô địch thế giới, 4 HCV, 3 HCB giải vô địch châu Á, 3 HCV SEA Games 31.

Mã số 56: Donnelly Joseph Ignatius (Australia, Rowing), có công chỉ đạo, huấn luyện học trò giành 8 HCV SEA Games 31.

6. Đội tuyển của năm:

Mã số 61: Đội tuyển bóng chuyền nữ trong nhà đoạt hạng 4 tại Cúp bóng chuyền nữ châu Á (AVC Cup).

Mã số 62: Đội tuyển bóng đá nam quốc gia lần đầu dự vòng loại thứ 3 World Cup, là đội tuyển đầu tiên của khu vực ĐNÁ giành được một trận thắng ở vòng loại cuối này. Đội đạt 4 điểm (1 thắng, 1 hòa, 8 thua) sau 10 lượt đấu.

Mã số 63: Đội tuyển bóng đá nam U-23 bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31 bằng một hành trình ấn tượng, với điểm nhấn là không để thủng lưới bàn nào.

Mã số 64: Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành suất dự World Cup lần đầu tiên, giành HCV SEA Games 31

Mã số 65: Đội tuyển bóng ném bãi biển lọt Top 13 giải vô địch thế giới, đoạt HCV giải vô địch châu Á.

Mã số 66: Đội tuyển bóng rổ nam 3x3 giành tấm HCB lịch sử tại SEA Games 31.

7. Đồng đội của năm:

Mã số 71: Bộ tứ Hoàng Quý Phước, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Trần Hưng Nguyên vượt mặt Singapore giành HCV, phá kỷ lục Đại hội nội dung Bơi 4x200m tự do tại SEA Games 31.

Mã số 72: Bốn tay chèo nam Phạm Hồng Quân, Trần Thanh, Hiển Nam, Nguyễn Quốc Toàn với cú nước rút ngoạn mục, vượt qua đối thủ Indonesia sau khi đã bị bỏ xa để về đích đầu tiên, giành HCV nội dung canoeing 1.000m C4 môn canoeing.

Mã số 73: Đội hình Phạm Thị Thảo, Đinh Thị Hảo, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Huệ giành HCV nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng mái chèo đôi môn rowing với một màn trình diễn vượt trội, ở đẳng cấp hàng đầu châu lục.

Mã số 74: Đội chạy tiếp sức nữ 4x400m Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền giúp Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp độc chiếm HCV tại SEA Games 31.

Mã số 75: Đội tuyển Thể dục Aerobic đoạt tấm HCV lịch sử tại Giải vô địch Aerobic thế giới 2022 ở nội dung biểu diễn nhóm 5 người với đội hình gồm Trần Ngọc Thúy Vi, Nguyễn Chế Thanh, Lê Hoàng Phong, Nguyễn Việt Anh, Vương Hoài Ân.

Mã số 76: Đội tuyển cầu mây 4 nữ Việt Nam giành tấm HCV lịch sử tại Giải vô địch cầu mây thế giới 2022 sau khi đánh bại Thái Lan thuyết phục 2-0 trong trận chung kết.

8. Vận động viên thể thao người khuyết tật xuất sắc của năm:

Mã số 81: Lê Văn Công (cử tạ, TP Hồ Chí Minh) giành 1 HCB giải vô địch châu Á, 2 HCV ASEAN Para Games 11, 2022.

Mã số 82: Đỗ Thanh Hải (bơi, TP Hồ Chí Minh) giành 5 HCV (3 cá nhân, 2 tiếp sức), phá 4 kỷ lục Đại hội (2 cá nhân, 2 tiếp sức) tại ASEAN Para Games lần thứ 11, 2022.

Mã số 83: Nguyễn Thị Hải (điền kinh, TP Hồ Chí Minh) giành 3 HCV tại ASEAN Para Games 11, 2022.

Mã số 84: Vi Thị Hằng (bơi, TP Hồ Chí Minh) giành 3 HCV cá nhân, phá 3 kỷ lục Đại hội tại ASEAN Para Games 11, 2022.

Mã số 85: Nguyễn Thị Hồng (cờ vua, Hà Nội) giành 5 HCV (3 cá nhân, 2 đồng đội) tại ASEAN Para Games 11, 2022.

9. Thành tựu trọn đời (theo điều lệ do Hội đồng Bình chọn quyết định và công bố, với sự hỗ trợ tư vấn của Tổng cục Thể dục-Thể thao).

10. Hình ảnh, khoảnh khắc thể thao ấn tượng của năm (sẽ có sự thay đổi, thay vì đưa ra sẵn các đề cử sẽ triển khai dưới hình thức của một cuộc thi tuyển, dành cho đối tượng là các nhà nhiếp ảnh quay phim chuyên nghiệp và cả người hâm mộ. Điều kiện các tác phẩm dự thi phải được sáng tác, thực thi trong năm 2022. Ban tổ chức sẽ có hướng dẫn riêng về mục này để triển khai).

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục