Bình ổn giá dầu toàn cầu về dài hạn: Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế

Nguồn cung dư thừa khiến giá dầu được dự báo tiếp tục giảm mạnh trong tương lai gần, nhưng về lâu dài, nguy cơ thiếu hụt sẽ khiến giá tăng cao. Bởi vậy, tìm kiếm giải pháp cân đối, ổn định thị trường trong dài hạn là điều cần tính tới, nhất là với các quốc gia và tổ chức có vai trò trọng yếu trong lĩnh vực sản xuất “vàng đen” này.

Giá dầu trên thế giới đã giảm trong thời gian qua.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang bị đánh giá “rất yếu”, do nhu cầu không khả quan tại ba khu vực tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent giảm khoảng 15%, dự đoán, giá giao dịch dầu thô có thể sẽ “thủng đáy” 70 USD/thùng trong thời gian tới.

Giá dầu sụt giảm giúp giá nhiên liệu thấp hơn, phần nào xoa dịu lạm phát, giảm căng thẳng về giá cả cho người tiêu dùng toàn cầu, nhưng lại đi ngược ích lợi của các quốc gia giàu dầu mỏ. Nhiều nước trong nhóm sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đang mong muốn gia tăng doanh thu từ “vàng đen” để cân bằng ngân sách và cấp vốn cho các dự án tầm quốc gia. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) ước tính, Saudi Arabia cần giá dầu chạm mốc 80,9 USD/thùng để đáp ứng các cam kết chi tiêu.

Vì thế, không lạ khi thời điểm này nhiều nước đã cố gắng giảm sản lượng nhằm tăng giá bán trên thị trường. Gần nhất, tại cuộc họp ngày 4-6 ở Vienna (Áo), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) - hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của toàn thế giới đã thống nhất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024, với mức giảm là 1,4 triệu thùng/ngày.

Năm 2022, OPEC+ đã thống nhất cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày. Vào tháng 4-2023, OPEC+ tuyên bố cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày với hiệu lực từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023. Với quyết định mới, sản lượng dầu thô hằng ngày của OPEC+ sẽ chỉ ở mức 40,46 triệu thùng trong giai đoạn từ 1-1-2024 cho đến 31-12-2024. Quyết định này nối dài đà cắt giảm đã diễn ra từ đầu năm nay.

Hiện tại, Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, UAE đã thông báo tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ ngày cho tới cuối năm 2024.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẽ kéo dài việc cắt giảm tình nguyện sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024 theo thỏa thuận của OPEC+.

Đáng chú ý, Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7-2023 và sẽ duy trì dài hạn nếu thấy cần thiết. Như vậy, sản lượng chính của nước này tới đây sẽ khoảng 9 triệu thùng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với năng lực sản xuất gần 12 triệu thùng/ngày.

Theo các chuyên gia kinh tế, đợt cắt giảm mới có thể sẽ đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn và tác động sau đó phụ thuộc vào việc các nước có quyết định kéo dài hay mở rộng cắt giảm hay không. Không ít ý kiến quan ngại, những nỗ lực cắt giảm quá lớn lúc này có thể tiềm ẩn nguy cơ “sốt” giá dầu trong tương lai. Công ty phân tích thị trường S&P Global Commodity Insights ước tính, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng trong mùa hè ở Bắc bán cầu sẽ dẫn đến giảm tồn kho dầu mỏ và “hỗ trợ giá dầu cao hơn”.

Theo Rapidan Energy (Mỹ), nếu tình trạng thiếu hụt dầu xảy ra trên toàn cầu từ cuối năm 2023, giá dầu thô sẽ vượt quá 100 USD/thùng trong năm 2024. Trước mắt, số liệu của kênh CNN tổng hợp cho thấy, ngay sau khi có thông tin OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent đã tăng 1%, lên mức 76,9 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 1,2% lên mức 72,6 USD/thùng.

Như vậy, bên cạnh những biện pháp mang tính tình thế, các quốc gia và tổ chức có vai trò trọng yếu trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ cần đặt ra những chiến lược mang tính dài hạn. Từ đó, có thể bảo đảm cân bằng cung - cầu và sự ổn định giá cho loại tài nguyên thiết yếu hàng đầu với nền kinh tế cũng như đời sống người dân toàn cầu này.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục