Bỏ phố về bản

Bàn Sỹ Thủy, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) từng có một công việc ở phố thu nhập cao nhưng cuối cùng bằng tình yêu nghề nông, anh đã về quê gây dựng cơ nghiệp. Thành quả chỉ mới bắt đầu nhưng tương lai xán lạn, bởi Hồng Thái đang là điểm đến của du khách, phát triển nông nghiệp sạch phục vụ du khách là hướng đi đúng.

ANH Bàn Sỹ Thủy, sinh năm 1996, sinh ra và lớn lên tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang). Từ nhỏ theo mẹ lên nương, sống giữa bầu không khí quanh năm mây trời bao phủ như tạo cho Thuỷ rắn rỏi hơn.

Ngày tốt nghiệp cấp 3, Thủy tự bắt ô tô đi Hà Nội thi đại học, trúng tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rồi tốt nghiệp với tấm bằng khá. Có được một công việc theo đúng chuyên ngành quản lý đất đai với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, bố mẹ anh rất tự hào, họ hàng, người trẻ ở đây lấy anh làm tấm gương để noi theo. Ấy vậy mà, đụp một cái, anh khăn gói quả mướp về quê lập nghiệp. Bộ mẹ anh sốc lắm, giận nữa, mà không giận sao được, đẳng đẵng nuôi con ăn học, có công việc lương cao, giờ lại bỏ về quê. Người bản dị nghị, bố mẹ biết giải thích thế nào. Nhưng rồi anh lẳng lặng làm, xin bố mẹ cải tạo 1ha đất đồi hoang của gia đình. Số tiền 200 triệu đồng anh tích cóp được sau 3 năm đi làm được anh thuê máy xúc, quyết tâm cải tạo diện tích đất để làm kinh tế.

Anh Bàn Xuân Thủy chăm sóc cây lê chát.

Thủy cho biết, đất nhà mình ở chỗ đồi Đòn, đến đó đường bé lắm, phải mở đường thì mới phát triển được.  Anh Thủy tự làm đường, con đường từ đường bê tông của xã vào khu đất dài 2km được hoàn thành sau hơn 2 tháng san lấp, dài gấp 4 lần đường đi trước kia, nhưng bù lại đã giúp Thủy thực hiện được ý tưởng của mình.

Gần 4 tháng quay cuồng với dự án, có những ngày cả sáng đi vận chuyển 30 – 40 bao xi măng tăng bo cho thợ làm, buổi chiều chạy đi đào hố, tham gia kéo xe chở vật liệu bị ban do mưa trượt đến tận khuya là điều rất bình thường. Vất vả thế nhưng bố mẹ vẫn chưa nguôi giận, chưa hỏi Thuỷ một lời nào. Còn hàng xóm thì nhòm ngó, lời này tiếng nọ.  Anh bỏ ngoài tai, quyết chí với hướng đi mình đã chọn.

Sau khi đã cải tạo diện tích đất, số vốn còn lại ít ỏi chỉ còn 50 triệu đồng, anh Thủy vay mượn bạn bè đi mua 30 con lợn nái đen làm giống và 100 gà ri về nuôi. Ngay từ đầu làm mô hình anh đã nghĩ sẽ phải kết hợp với làm du lịch, chọn vật nuôi cũng đều là những thứ đặc sản của vùng cao. Để có thức ăn sạch cho đàn nuôi, anh Thủy chủ động trồng thêm chuối, rau rừng tạo thức ăn xanh, bổ sung thêm cám gạo, cám ngô gia tăng chất lượng thịt…

Anh Bàn Sỹ Thủy chăm sóc lợn đen.

“QUÊ mình nhiều cỏ voi, nhiều rau tàu bay, chuối, nguồn thức ăn sẵn mà lại bỏ phí, phải tập cho lợn, gà ăn những thứ này mới tiết kiệm chi phí”. Nhiều người nghe không tin đâu nhưng lại là sự thật ở trang trại của Thuỷ.

 Nhớ lại hồi mới làm trang trại, mỗi ngày anh trồng 10 khóm chuối, trồng thêm cỏ voi để cho lợn, gà ăn. Tháng 11 - 2021, Thủy bắt đầu mô hình chăn nuôi nhưng đã thất bại cay đắng. Dịp Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022, đàn lợn bị chó cắn chết gần một nửa. Anh đau đớn, tưởng như không gắng gượng nổi nữa. Giữa lúc đó, cha mẹ lại mở lòng và kề vai cùng con trai làm lại. Đó là niềm hạnh phúc không thể đong đếm, động lực cho anh gây dựng lại.

Lại nói đến chuyện luyện cho lợn ăn cỏ, Thuỷ bảo: "Điều đó em đã làm được, anh ạ!". Thủy chọn 10 con lợn phàm ăn nhất đàn, nhốt riêng, cho ăn cỏ. Lúc đầu băm nhỏ trộn cám ngô, ngày 3 lần cho ăn theo giờ nhất định, sau 2 ngày lợn bắt đầu quen.  Đàn gà ri của Thủy tuy lớn chậm nhưng thịt ngon và cũng dễ chăm sóc. Sáng ra lợn và gà được ăn thức ăn tinh, khoảng 8 giờ lợn sẽ ăn cỏ voi hoặc ăn lá chuối, gà sẽ ăn thêm thân chuối băm nhỏ. Hình ảnh chàng trai cầm bó cỏ, lũ lợn ụt ịt chạy sau trông thật thích mắt.

Thủy bảo: "Em đang huấn luyện lũ gà, chỉ cần gõ kẻng sẽ bay từ trên đồi về chuồng. Trứng gà em cũng cho đẻ tự nhiên, khách du lịch đến đây, nhìn hình ảnh này, được đi nhặt trứng trên đồi, được ngắm hoa lê, hoa mận… hẳn sẽ rất thích thú".

Đàn lợn theo chủ đi ăn.

DẪN tôi đi lên thăm vườn lê cổ thụ (lê chát) của gia đình, nhìn những hàng rào đá xếp quanh vườn thật thích mắt. Thủy bảo, anh tự xếp, mỗi ngày vài viên, những viên đá vô tri trở thành những chiếc bàn, ghế đá dưới gốc lê cổ thụ và cũng là hàng rào ngăn cách hạn chế động vật phá cây. Nhà sẵn có 100 gốc mận và trên 150 gốc lê, tới đây anh sẽ mua thêm những gốc cây lê cổ thụ trồng ở trang trại nhà mình. Lê cổ ăn không ngon nhưng cành thấp, hoa đẹp nếu làm phong cảnh để chụp ảnh thì thật đẹp và quyến rũ.

Du khách chụp ảnh tại vườn lê nhà anh Thủy.
Sau Tết năm nay, homestay Mắc Cọp, thôn Khâu Tràng của nhà anh Bàn Sỹ Thủy đón nhiều khách nhất thôn, ai cũng thích thú với lợn, gà, hoa mận, hoa lê của gia đình. Để làm du lịch hiệu quả, anh Thủy cùng chị gái Bàn Thị Thương còn chủ động cải tạo cảnh quan khuôn viên trong gia đình, tham gia học các lớp dạy kỹ năng đón tiếp du khách nhằm tạo dấu ấn thân thiện, hướng đến sự hài lòng. 

Du khách đến với vườn lê nhà anh Thủy.

Tuy mới làm được 1 năm, nhưng đợt Tết vừa rồi, anh Thủy bán trên 3 tấn lợn thịt và 1 tấn gà thịt, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hàng ngày, hình ảnh anh Thuỷ đi xe máy từ Hồng Thái đèo lợn đen, lồng gà chật kín gửi cho khách phương xa đã trở nên thân thuộc với người dân nơi này. Anh Thuỷ còn làm clip trên Youtube và Tiktok để quảng bá sản vật quê hương, nhờ đó, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường...

Anh Thủy sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch.

Anh Thủy trước Homestay của gia đình.