Đồng 10.000 yen và đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN.
Nhật Bản sẽ có các biện pháp quyết liệt để ngăn đồng yen mất giá quá mức.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki Nhật Bản đưa ra ngày 27/3 sau khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD trong phiên giao dịch cùng ngày.
Phát biểu với báo giới, ông Suzuki nhấn mạnh sẽ có hành động thích hợp và "không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" để đối phó với biến động quá mức của đồng yen.
Tuyên bố của ông Suzuki về “những bước đi quyết liệt” được coi là một trong những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất tới nhà đầu tư.
Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng Chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022.
Ông cho biết thêm Nhật Bản sẽ theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường ngoại hối với sự cảnh giác cao độ.
Tuyên bố của ông Suzuki đưa ra sau khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD ở mức 151,97 yen/1 USD. Nguyên nhân là do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì lãi suất ở mức 0%.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật bản Yoshimasa Hayashi phát biểu với báo chí rằng việc đồng yên giảm quá mức là "điều không mong muốn".
Cùng ngày, giới chức thuộc Bộ Tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính và BoJ đã có cuộc họp thảo luận tình hình thị trường tài chính.
Phát biểu sau cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cho hay Bộ Tài chính sẽ thực hiện “mọi biện pháp có thể” để hạn chế những diễn biến tiêu cực của đồng yen, không loại trừ khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Ông nhận định nhiều khả năng các hành vi đầu cơ là nguyên nhân dẫn đến đồng yen giảm giá.
Theo giới chuyên gia, nếu Chính phủ Nhật Bản quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, theo chỉ thị của Bộ Tài chính, sẽ bán các tài sản được định giá bằng USD mà cơ quan này đang nắm giữ, ví dụ như trái phiếu chính phủ Mỹ, để mua đồng yen.
Gửi phản hồi
In bài viết