Bước chuyển linh hoạt của các doanh nhân nữ trong đại dịch

Khẳng định bản lĩnh và sự nhanh nhạy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh Covod-19, các doanh nhân nữ đã linh hoạt, uyển chuyển ứng phó linh hoạt trước những thay đổi của thị trường. Từ đó tìm ra giải pháp để đưa doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Những gốc chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi có giá trị rất cao.

Đưa lá chè lên nền tảng số

Rời thành phố Tuyên Quang, lạc bước vào huyện miền núi Na Hang, có lẽ không ít người ngỡ như mình lạc vào một không gian khác biệt bởi không khí trong lành và hương chè ngào ngạt, với những thân chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm đã mốc trắng mà vẫn tua tủa vươn lên những búp mầm xanh non. Không chỉ là địa danh được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái cùng những điểm du lịch hấp dẫn, những cánh rừng nguyên sinh… Na Hang còn nổi tiếng với đặc sản chè Shan tuyết cổ thụ đặc biệt thơm ngon, đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang.

Bà Trần Lan Phương, Đại diện thương mại Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà (Na Hang) chia sẻ, là đơn vị sản xuất hàng hóa nông sản thuộc vùng cao của Tuyên Quang, ngay từ những ngày đầu thành lập, chủ nhiệm HTX Sơn Trà đã không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Phú Thọ để học hỏi những kinh nghiệm kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Đến nay, HTX Sơn Trà có khoảng 64 ha chè Shan tuyết, nhưng chè của HTX Sơn Trà nhiều lúc thu mua không đủ bán, bởi chè nơi đây được sản xuất quảng canh. Ưu điểm là cây chè không có bất cứ phân bón hóa học nào.

Tùy từng loại lá chè, khi người dân hái và đem bán lại, HTX sẽ mua với các mức giá khác nhau theo quy định. Thông thường, nếu làm cả ngày, người dân có thể kiếm được tới 300.000 đồng. Cá biệt, có người còn kiếm được tới 600.000 đồng/ngày.

 Nhiều sản phẩm chè Shan tuyết được đưa lên sàn thương mại điện tử trong đại dịch.

Mặc dù đã có được những thành công bước đầu, song dịch Covid-19 bùng phát đã sớm làm đứt gãy thị trường và cơ hội vươn xa cho sản phẩm chè Shan tuyết của hợp tác xã. “Tuy nhiên, chúng tôi không vì vậy mà nản lòng. Lãnh đạo HTX Sơn Trà đã tranh thủ thời gian tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Đồng thời, tập trung tìm hiểu các dòng sản phẩm mới, tích hợp với sản phẩm hiện có để tiến tới mở rộng phân khúc khách hàng. Đặc biệt là tranh thủ kết nối nhiều kênh phân phối quốc tế, đồng thời tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm khi hoạt động kinh tế, giao thương trở lại”, bà Trần Lan Phương cho biết.

Đồng thời, HTX cũng mở rộng kinh doanh nhiều sản phẩm nông sản khác trên các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh thế mạnh là sản phẩm chè. Nhờ đó, HTX đã vững vàng đi qua những giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự linh hoạt xoay chuyển tình thế trong đại dịch, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn khó khăn nay không chỉ giúp HTX vẫn duy trì được thu nhập mà còn tạo đà để HTX tìm kiếm bạn hàng, mở rộng đối tác ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nâng giá trị cho con cá trích 

Cũng là một câu chuyện nữ doanh nhân vượt khó nhờ đặc sản quê nhà, chị Bùi Hiền Lương, đại diện Công ty CP Biển Quỳnh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) là chủ nhân một trong những dự án khởi nghiệp tiêu biểu được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

 Công ty CP Biển Quỳnh tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp dự án “Nâng cao giá trị của con cá trích – hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương”, chị Lương cho biết, là người con của biển, chứng kiến ngư dân sau chuỗi ngày vất vả đánh bắt trở về với những khoang thuyền đầy ắp cá nhưng phải đối mặt với cảnh “được mùa mất giá” khiến chị rất xót xa. Với mong muốn đưa sản phẩm cá trích giàu dinh dưỡng đến bữa ăn của mỗi gia đình, chị đã thử nghiệm chế biến cá trích tươi và cá trích nướng. Tuy nhiên, những hạn chế trong đóng gói, vận chuyển khiến chất lượng cũng như hình thức sản phẩm không đạt yêu cầu. Bởi vậy, chị đã nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm chả cá trích. 

Đặc điểm của cá trích là rất nhiều xương, nên công đoạn chế biến chả đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vậy nên chị đã đầu tư hệ thống cấp đông bằng máy nén bầu ngưng giải nhiệt nước Bitzer, máy tách xương cá CR-900, máy xay cá có biến tần TMTP-C27, máy hút chân không... Việc đầu tư máy móc đã giúp cho sản phẩm chả cá trích làm ra bảo đảm chất lượng, thời gian bảo quản lâu hơn, lại giải phóng được sức lao động nhiều hơn. 

Cùng với công nghệ hiện đại, sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn từ việc thu mua nguyên liệu đầu vào tươi ngon, bảo quản tốt, quá trình chế biến chả cá luôn chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sao cho chất lượng sản phẩm đạt được giá trị dinh dưỡng cao và ngon nhất. Nhờ đó, sản phẩm chả cá trích của công ty đã được chứng nhận OCOP 4 sao.

Có được sản phẩm đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm càng khó khăn hơn, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra, chị Lương đã phối hợp với Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm trên môi trường số nhằm tìm đầu ra ổn định ngay tại địa phương và các huyện lân cận. Nhờ sản phẩm có thể bảo quản được lâu, hương vị thơm ngon, giá thành hợp lý, lượng tiêu thụ sản phẩm chả cá trích vẫn tăng trưởng rất ổn định ngay trong giai đoạn dịch bệnh. “Tiếng lành đồn xa”, đến nay, sản phẩm đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm đến để đặt hàng.

Thành công của dự án “Nâng cao giá trị của con cá trích – hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm chả cá trích Quỳnh Phương" không chỉ mang lại giá trị sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 30 phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập 4-10 triệu đồng/tháng mà còn đưa đặc sản của quê hương đi mọi miền Tổ quốc.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH từng chia sẻ, nữ doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. Hiện Việt Nam có khoảng trên 30% phụ nữ tham gia lãnh đạo các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nữ doanh nhân rất chủ động giải quyết những khó khăn nội tại của mình, chứ không ngồi yên trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Câu chuyện vượt khó của các nữ doanh nhân trong đại dịch là minh chứng rõ ràng cho quan điểm đó. Nhờ sự năng động, linh hoạt vượt mọi khó khăn, đến nay, các doanh nghiệp nữ ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục