Dự án nền tảng
Thượng tá Đặng Đình Cường, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an tỉnh cho biết: Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, được ví như chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra những hành trình tiếp theo trong chuyển đổi số. Để thực hiện thành công 2 dự án, công tác thu thập thông tin dân cư được xác định là khâu đầu tiên, quan trọng trong quá trình xây dựng CSDLQG về DC và cũng là khâu quyết định.
Tuyên Quang với dân số gần 9 vạn dân. Để hoàn thành thu thập 100% thông tin dân cư, Phòng PC06 đã phối hợp, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cấp huyện, công an cấp xã tập trung tối đa lực lượng, theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng". Cán bộ chiến sỹ trực tiếp đến từng thôn, xóm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để có được thông tin “đúng, đủ, sạch, sống” đảm bảo cấp CCCD chính xác trên thực tế.
Phòng PC06 triển khai các nội dung của Đề án 06.
Nhớ lại chiến dịch cao điểm cấp CCCD, chị Đoàn Thị Thu Quỳnh, Đội trưởng Đội hướng dẫn, đăng ký quản lý cư trú; cấp, quản lý Căn cước công dân chia sẻ: Trong công tác cấp CCCD, để đẩy nhanh tiến độ cũng như giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, lực lượng công an thực hiện phương châm "Đông làm trước, nhỏ lẻ làm sau" và "Xa làm ngày, gần làm đêm". Hơn 500 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng công an từ cấp tỉnh đến cấp xã làm việc 24/24h/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ và có nhiều cách làm sáng tạo. Khắc phục tình trạng máy thu vân tay quá tải, nóng và treo máy, cán bộ, chiến sỹ các tổ máy có sáng kiến đóng kệ gỗ kê cao máy, dùng quạt điện thổi vào gầm làm mát máy, giúp máy hoạt động liên tục không bị gián đoạn. Đối với các trường hợp da tay khô ráp, chai cứng, không lấy được vân tay, tổ máy chuẩn bị sẵn 1 xô đá lạnh để người dân ngâm tay trong giây lát, da tay mềm hơn, vân tay hiện rõ, dễ dàng lấy được vân tay.
Như vậy, sau hơn một năm triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, lực lượng công an toàn tỉnh đã hoàn thành 2 dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công trên phạm vi toàn quốc. Hai dự án này chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân. Trong chiến dịch thần tốc này, Công an Tuyên Quang là một trong 10 tỉnh được Bộ Công an đánh giá đạt thành tích xuất sắc và xếp hạng thứ 3 trên toàn quốc về chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD, lực lượng công an toàn tỉnh đến từng hộ gia đình để làm thủ tục cấp CCCD
cho đối tượng cao tuổi, già yếu
Tấm thẻ quyền lực
Loay hoay tìm mãi thẻ bảo hiểm y tế không thấy, anh Hoàng Văn Hiếu, thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) trao đổi với nhân viên tiếp nhận bệnh nhân tại Phòng Khám Đa khoa 153 (TP Tuyên Quang) về việc mình quên thẻ. Anh thật bất ngờ khi nhân viên này thông báo anh chỉ cần xuất trình căn cước là có thể khám bệnh. Đúng là giờ anh mới biết căn cước công dân gắn chíp tiện lợi đến vậy.
Thông tin về bảo hiểm y tế chỉ là một trong số rất nhiều thông tin được tích hợp trong CCCD như: giấy đăng ký xe ô tô; giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng…
Nói thêm về lợi ích của thẻ CCCD gắn chip, chị Đoàn Thị Thu Quỳnh, Đội trưởng Đội hướng dẫn, đăng ký quản lý cư trú; cấp, quản lý Căn cước công dân cho biết: Thẻ CCCD gắn chíp là thiết bị nhận diện, xác định danh tính và là chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. Hiện nay lực lượng công an đã và đang tích hợp nhiều thông tin của công dân như bảo hiểm y tế, bằng lái xe… vào trong chíp điện tử trên thẻ CCCD. Trong thời gian tới, khi dữ liệu giữa các bộ, ngành, đơn vị được chia sẻ, khi làm thủ tục hành chính, công dân có thể chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip, không cần đem theo nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
Định hình công dân số, công dân toàn cầu
Bất cứ dự án nào khi thực hiện thì mục tiêu cao nhất cũng hướng đến nhân dân, để nhân dân được hưởng lợi. Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử đã và đang đạt được mục tiêu này khi góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm nhiều chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả quan trọng nữa, hai dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
Bởi vậy, sau thành công của 2 Dự án trên, Chính phủ tiếp tục “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Tong chiến dịch cao điểm cấp CCCD, lực lượng công an tỉnh đã làm 24/24h, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Trung tá Trần Quang Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết, việc thực hiện Đề án 06 là một phần thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định; góp phần chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Đề án 06 xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.
Để thực hiện mục tiêu này, từng đồng chí lãnh đạo phòng PC06 đều phải phát huy vai trò tiên phong, đăng ký việc đột phá gắn với từng phần việc cụ thể. Cá nhân đồng chí trưởng phòng đã đăng ký việc đột phá: Tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, dịnh danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang". Trong đó, yêu cầu cụ thể tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo ứng dụng linh hoạt, sáng tạo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống dịnh danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Hiện nay, phòng PC06 đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức rà soát, đánh giá đúng thực trạng về phương tiện, cơ sở hạ tầng, đường truyền của từng cấp (tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ triển khai dịch vụ công thiết yếu và các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06. Tiếp tục hướng dẫn các sở, ngành thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Tổ chức rà soát, đánh giá để có phương án bố trí, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và CBCS lực lượng vũ trang trong tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bổ sung, cập nhật thường xuyên thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm thông tin luôn "đúng, đủ, sạch, sống" một cách bền vừng và lâu dài, cung cấp dữ liệu chính xác cho các ngành, các cấp trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và phục vụ nhân dân.
Bài, ảnh: Lý Đức Dũng
(Công an tỉnh)
Gửi phản hồi
In bài viết