Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (trái) và Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami (phải) tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran, ngày 4/3. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Ông Grossi tới Iran từ hôm 3/3 nhằm tăng cường hợp tác giữa IAEA với Tehran về các hoạt động hạt nhân của nước này. Hôm 4/3, Tổng Giám đốc IAEA đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo Iran và cho biết hai bên đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Theo đó, Iran đã đồng ý kết nối trở lại các máy quay giám sát tại một số địa điểm hạt nhân và tăng cường tốc độ thanh sát. Ông Grossi đồng thời bày tỏ sự hài lòng với chuyến thăm tới Tehran và sự hợp tác với Iran. Ông nhấn mạnh quan hệ song phương giữa Iran và IAEA cần tiếp tục hợp tác ở cấp cao. Ðiều này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh các bên hướng tới khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 - thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Về phía Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi bày tỏ hy vọng IAEA không bị các cường quốc tác động. Trong cuộc gặp với ông Grossi, Tổng thống Iran cũng đề cập tới việc sử dụng công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, lưu ý rằng công nghệ này hiện rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân. Trong khi đó, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami cũng vừa cho biết, việc điều chỉnh quan hệ của hai bên dựa trên các thỏa thuận an toàn giúp IAEA yên tâm với các hoạt động hạt nhân của Iran, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự bất đồng hay mâu thuẫn nào.
Bên cạnh đó, AEOI và IAEA đã nhất trí IAEA nên tham dự Hội nghị Hạt nhân Iran lần thứ 30 để hiểu rõ hơn chương trình hạt nhân của nước này, cũng như năng lực của các nhà khoa học Iran. Ông Mohammad cũng nhấn mạnh rằng, việc trao đổi giữa Tehran và IAEA nên nhằm mục đích xây dựng lòng tin, hai bên nên hạn chế can thiệp từ bên ngoài để tạo điều kiện cho hợp tác và duy trì trao đổi một cách đáng tin cậy nhằm giải quyết các vấn đề.
Việc cải thiện quan hệ hợp tác giữa IAEA và Iran, cũng như thỏa thuận tốt đẹp mà hai bên dự kiến đạt được đang thắp lên hy vọng khơi thông thế bế tắc trong quan hệ Iran-phương Tây để khôi phục JCPOA.
Iran cùng các cường quốc thế giới đã ký JCPOA vào tháng 7/2015, theo đó Tehran chấp nhận một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp đơn phương trừng phạt, khiến Iran cũng cắt giảm một số cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo) nhưng chưa có bước đột phá nào sau vòng đàm phán mới nhất vào tháng 8/2022.
Trước khi Iran và IAEA đạt được tiến triển mới trong quan hệ song phương nêu trên, IAEA nhiều lần cáo buộc Tehran thiếu hợp tác với cơ quan này.
Vào tháng 11/2022, IAEA đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran "hợp tác điều tra các dấu vết hạt nhân tại một số cơ sở chưa được công bố". IAEA cũng chỉ trích Iran không công khai thực hiện điều chỉnh đối với liên kết giữa hai cụm máy tiên tiến làm giàu urani lên mức tinh khiết 60%, cao gấp 16 lần ngưỡng cho phép và rất gần cấp độ vũ khí hạt nhân, ở nhà máy Fordow.
Tháng 2 vừa qua, các nước Mỹ, Anh, Pháp và Ðức đã ra một tuyên bố chung nhất trí với báo cáo của IAEA cho rằng, Iran không nhất quán về việc đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Trong khi đó, Iran đã đưa ra tuyên bố phản đối lập trường của IAEA, bác bỏ các cáo buộc và khẳng định "bản chất hòa bình" của chương trình hạt nhân mà Tehran đang triển khai.
Bên cạnh các cuộc "khẩu chiến" nảy lửa giữa hai bên, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã trút lên Tehran hàng loạt lệnh trừng phạt liên quan lĩnh vực vận tải, logistics, tài chính, xuất khẩu dầu mỏ… Các lệnh trừng phạt này đã trở thành chiếc "vòng kim cô" bóp nghẹt kinh tế Iran trong những năm gần đây. Bởi vậy, việc cải thiện quan hệ Iran-phương Tây, trước hết là quan hệ giữa nước này với IAEA, không chỉ mở ra triển vọng khôi phục JCPOA để bảo đảm hòa bình cho thế giới, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế Iran cũng như gia tăng nguồn cung năng lượng đáng kể từ nước này cho kinh tế toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết