Sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 21-2, tại Km 18, thuộc địa phận xã Đội Bình (Yên Sơn) Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), đã kiểm tra, phát hiện ông Đ.Đ.D, trú tại phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vận chuyển 188 kg xúc xích không có nguồn gốc xuất xứ, một số sản phẩm đã hư hỏng. Theo khai nhận của ông D, số lượng xúc xích trên được mua từ Lào Cai về để bán lẻ cho người tiêu dùng.
Tiếp đến ngày 6-3, tại Km 220+100, thuộc phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 22A 074.36 do bà N. T. N, trú tại tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phát hiện trong khoang chở hành lý có 9 bao tải, bên trong chứa 278 kg xúc xích và 100 kg chả mực. Chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, bao bì không có hạn sử dụng và bốc mùi hôi thối. Tại cơ quan Công an, chủ hàng khai nhận đã mua số thực phẩm trên tại thành phố Yên Bái với giá rẻ, vận chuyển về Tuyên Quang tiêu thụ.
Lực lượng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kiểm tra, thu giữ sản phẩm xúc xích nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 26-4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) do ông N.V.D. là chủ cơ sở, đã phát hiện 92 kg xúc xích và nhiều sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng chí Nguyễn Lê Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, qua nắm tình hình trên địa bàn tỉnh, chưa phát hiện kinh doanh, vận chuyển lợn hơi không có kiểm dịch, từ các nước vào tỉnh. Tuy nhiên tình trạng kinh doanh, vận chuyển sản phẩm chế biến từ lợn từ không có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh giáp biên giới vào tỉnh ta vẫn xảy ra, điển hình như xúc xích, nội tạng lợn...
Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng thường xé nhỏ lượng hàng, sử dụng phương tiện cá nhân, xe khách để dễ bề vận chuyển, giao hàng, thậm chí là bỏ hàng. Riêng đối với hoạt động chế biến, các đối tượng không đặt địa điểm cố định mà liên tục di chuyển khiến cho việc theo dõi, nắm bắt tình hình, phát hiện, thu giữ của lực lượng chức năng trở lên khó khăn hơn. Điển hình, đầu tháng 8 vừa qua, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, có cơ sở chế biến sản phẩm bì lợn có quy mô tại địa phận phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Ngay khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng đột nhập để kiểm tra, tuy nhiên toàn bộ nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở đã bị tẩu tán.
Nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch
Theo ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi Cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn nhập lậu nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước nói chung và tỉnh nói riêng. Bởi nếu như lợn chăn nuôi trong nước được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng thì lợn nhập lậu chúng ta không thể biết được quy trình chăn nuôi. Chúng có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, không được kiểm dịch... Nếu vận chuyển trót lọt, nguy cơ các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhiễm vào đàn lợn sẽ không thể tránh khỏi.
Thực tế đã thấy rõ, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng xâm nhập, lây nhiễm vào đàn lợn gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và nhiều địa phương phần lớn từ tình trạng kinh doanh, vận chuyển, buôn bán lợn thịt, lợn giống, sản phẩm chế biến từ lợn không rõ nguồn gốc vào tỉnh. Sau "cơn bão" giá lợn xuống thấp kỷ lục và dịch tả lợn Châu Phi kéo dài, ngành chăn nuôi lợn chưa kịp phục hồi sẽ lại phải đối mặt với cuộc chiến không cân sức về giá và nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm từ tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm chế biến từ lợn không rõ nguồn gốc.
Nhân viên thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Tuyên Quang kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ phường Tân Hà (TP Tuyên Quang).
Không những đe dọa ngành chăn nuôi, việc buôn bán, vận chuyển, chế biến sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ lợn như: xúc xích, nội tạng lợn nhập lậu vô cùng nguy hiểm với sức khỏe người dân, bởi các mặt hàng này rất dễ phân hủy, quá trình thu gom lại phải thu gom nhiều nơi, thời gian dài do vậy thường sử dụng rất nhiều hóa chất để bảo quản. Người tiêu dùng không biết sử dụng rất dễ dẫn đến ngộ độc, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, nếu sử dụng nhiều nguy cơ dẫn đến ung thư là rất cao.
Ngăn chặn từ sớm
Trước tình trạng trên, ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 694/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm chế biến từ lợn vào thị trường trong nước.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15-8, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có Văn bản số 22/BCĐ389-CQTT về việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn từ biên giới vào tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Lê Nguyên, Phó Chi cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh khẳng định, mục tiêu của tỉnh đặt ra là ngăn chặn sớm, ngăn chặn từ xa, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị thành viên tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nội địa.
Ông Nguyên nhận định, đang cao điểm mùa lễ hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, các đối tượng sẽ lợi dụng để buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ lợn vào thị trường tỉnh, Cục yêu cầu các đội tại các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ địa bàn, nắm bắt thông tin, sẵn sàng lực lượng triển khai phối hợp bắt giữ nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Yêu cầu đặt ra xử lý nghiêm "không có vùng cấm" với tất cả các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thiếu tá Nguyễn Duy Hải, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác - Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cũng khẳng định, đội cũng đang phối hợp với đội phòng chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Kinh tế, Đội tuần tra, Trạm kiểm soát giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông, Đội Quản lý thị trường kiểm tra các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách đi vào tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, đơn vị đã làm việc với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo các trạm kiểm dịch duy trì thường xuyên lực lượng, thực hiện kiểm dịch chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật ngay từ cửa ngõ đi vào tỉnh nhằm ngăn chặn từ xa, từ sớm những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến ngành nghề chăn nuôi lợn và sức khỏe cộng đồng.
Liên tục trong những ngày qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) đã bố trí lực lượng tại 2 trạm kiểm dịch Đèo Khế và Sơn Nam kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật, đặc biệt là lợn đi vào tỉnh. Ông Trần Quốc Hoàn, nhân viên kiểm dịch, Trạm Kiểm dịch Sơn Nam cho biết, lực lượng túc trực, thực hiện kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển động vật vào địa bàn, đặc biệt là lợn. Các phương tiện, hàng hóa đủ giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng cấp phép sẽ được đi ra, vào tỉnh, trường hợp không đủ giấy tờ lực lượng kiên quyết cho quay đầu.
Cơ sở giết mổ tập trung có quy mô lớn nhất tỉnh, thuộc phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) 1-2 giờ sáng, nhân viên thú y đã có mặt để kiểm soát toàn bộ số lượng động vật trước, sau mổ. Bà Đặng Thị Việt, nhân viên thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Tuyên Quang cho biết, bình quân mỗi đêm cơ sở giết mổ từ 70 - 80 con gia súc, chủ yếu là lợn. Đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, anh em trong tổ theo dõi, giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ. Những động vật không đủ tiêu chuẩn chế biến thực phẩm, tổ sẽ lập biên bản, kiên quyết không đóng dấu kiểm dịch, yêu cầu tiêu hủy theo đúng quy định.
Theo lãnh đạo của các sở, ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389, lực lượng chức năng tỉnh ngăn chặn từ xa, từ sớm phần nào đã hạn chế được tình trạng nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn vào tỉnh. Tuy nhiên để ngăn chặn hiệu quả "tai, mắt" vẫn là Nhân dân. Người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay giúp sức, báo tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ.
Đồng chí Tạ Văn Tình
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn
Kịp thời phát hiện sự biến động
Để ngăn chặn, xử lý hoạt động kinh doanh, buôn bán vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ lợn không rõ nguồn gốc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc kê khai chăn nuôi, rà soát, thống kê, đàn lợn tại địa phương kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu.
Đặc biệt chỉ đạo Trạm kiểm dịch Mỹ Bằng và Đội Bình, phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn huyện. Đồng thời phân công cán bộ của phòng phụ trách tại địa bàn các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở thu gom giết mổ lợn, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền cho Nhân dân nắm được những tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc để người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép ra vào địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Chung
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh
Thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam, Đội Quản lý thị trường số 5 đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan Công an, ngành Nông nghiệp và PTNT trong tỉnh nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch và xử lý nghiêm theo quy định. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giám sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhằm răn đe các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn trái phép.
Ông Bùi Quang Huy
Cán bộ trực tại Trạm kiểm dịch động vật Đèo Khế
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc động vật vào tỉnh
Trạm Kiểm dịch động vật Đèo Khế, xã Hợp Thành (Sơn Dương) đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc động vật từ tỉnh ngoài vào tỉnh. Từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để động vật không rõ nguồn gốc, nhất là nguồn lợn giống, lợn thịt, sản phẩm từ lợn chưa qua kiểm dịch hoặc nhập lậu xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh và chấp hành nghiêm các quy định trong mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật… Từ đó góp phần bảo vệ lợi ích và quyền lợi của người chăn nuôi chân chính và người tiêu dùng trên địa bàn huyện.
Ông Đặng Văn Thanh
Thôn Đồng Băm, xã Hùng Đức (Hàm Yên)
Kiểm soát tốt, xử lý nghiêm
Những năm qua, người chăn nuôi lợn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, giá thức ăn, thuốc thú y liên tục tăng trong khi giá lợn hơi bấp bênh, có thời điểm xuống thấp dưới 30 nghìn đồng/kg. Gần đây, tín hiệu vui với người chăn nuôi lợn khi giá lợn hơi nhích lên duy trì trên 50 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, gần đây hiện tượng buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng giá cả thị trường, tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi. Cũng như những người chăn nuôi khác, tôi mong muốn các cơ quan chức năng siết chặt quản lý, kiểm soát thật tốt, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ lợn nhập lậu để bảo vệ ngành chăn nuôi và người chăn nuôi lợn.
Gửi phản hồi
In bài viết