Bứt phá phát triển, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,3%. Thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với năm 2023 và chiếm đến 71,6% xuất siêu cả nước. Vượt lên những khó khăn, thách thức từ thiên tai, thị trường, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng.

Bứt phá phát triển, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia

Năm 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,4%, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Thành tựu trong gian khó

Năm 2024, bão số 3 (Yagi) đã gây tổng thiệt hại 83.746 tỷ đồng, riêng ngành nông nghiệp thiệt hại khoảng 31.800 tỷ đồng, làm giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng toàn ngành. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, bảo đảm tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt tăng khoảng 1,8%, với sản lượng lúa cả năm đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%; năng suất đạt 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (tăng 0,5%), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo. Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực như sầu riêng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 21,2%; thanh long đạt 1,35 triệu tấn, tăng 13,3%; cao su đạt gần 1,37 triệu tấn, tăng 7,5%…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023; sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn, tăng 2,1%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 21,5 triệu tấn, tăng 3,4%. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định nhờ thời tiết thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác với tổng sản lượng ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; trong đó khai thác 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% và nuôi trồng 5,75 triệu tấn, tăng 3,7%.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản.

Theo đó, năm 2024, đã chuyển đổi khoảng 116.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn. Ngành đã áp dụng thành công quy trình rải vụ với hiệu quả cao hơn, gấp từ 1,5 đến 2 lần với tổng diện tích rải vụ của 5 loại cây (thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, sầu riêng) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Bình Thuận đạt 127,6 nghìn ha, tổng sản lượng rải vụ đạt 1.287,3 nghìn tấn, chiếm 56,4% tổng sản lượng. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gia tăng.

Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào. Đáng chú ý, ngành đã triển khai hiệu quả Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Ngoài ra, với việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, thì việc kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 có hiệu quả đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt con số kỷ lục mới là 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.

Kiến tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năm 2025, toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện việc bảo đảm an ninh lương thực trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, để nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" vững chắc cho nền kinh tế.

Theo đó, cần kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp.

Liên quan đến các vấn đề về mở cửa thị trường, gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cho hàng nông sản, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, trong quan hệ đối ngoại song phương và đa phương, nông nghiệp là một trong những ngành thế mạnh hàng đầu để Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế, đóng góp trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu và luôn là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, năm 2025, nông nghiệp sẽ là một trong những ngành bị tác động đầu tiên trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… đòi hỏi ngành tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, có kế hoạch cụ thể đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Nam Á…, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra đột phá trong xúc tiến thương mại tại thị trường Halal.

Năm 2025, ngoại giao nông nghiệp sẽ là vấn đề được Bộ Ngoại giao quan tâm để phối hợp với các bộ, ngành cùng thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Với những thành tựu đã đạt được trong năm 2024 và suốt thời gian qua, ngành nông nghiệp nước ta đang có những bước đi vững vàng, sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc và bứt phá tăng trưởng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục