Ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh ở châu Âu trong tuần qua

Với hơn 1,37 triệu ca bệnh mới ghi nhận trong 7 ngày qua, châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch Covid-19 trên toàn cầu, góp phần vào xu hướng tăng ở cả số ca mắc và ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới tuần qua.

Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của Bệnh viện Bagdasar-Arseni chật kín bệnh nhân, Bucharest, Romania,
ngày 19/10/2021. (Ảnh: Inquam/Reuters)

Theo đó, thế giới ghi nhận thêm 2.885.097 ca bệnh trong 7 ngày qua, tăng 2%, trong khi số ca tử vong là 46.536 ca, tăng nhẹ 0,6% so với 7 ngày trước đó.

Đáng chú ý, châu Âu chiếm tới gần một nửa số ca mắc trên toàn cầu trong tuần, với tổng cộng 1.377.667 ca mắc được ghi nhận, tăng 23% so với 7 ngày trước, trong khi số ca tử vong cũng tăng 14% ở lục địa già, với 18.746 ca.    

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất đáng lo ngại ở châu Âu, nhất là trong bối cảnh các hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ ở hầu hết các nước trong khu vực khi mùa đông đang tới gần, khiến các chuyên gia y tế đã phải lên tiếng cảnh báo về một làn sóng dịch bệnh mới mạnh mẽ hơn có thể sẽ càn quét châu lục này trong ít tháng tới.

Anh vẫn dẫn đầu châu lục về số ca mắc trong tuần với trên 330 nghìn ca, tăng 16%, trong khi Nga dẫn đầu về số ca tử vong với 7.213 người không qua khỏi, tăng 5% so với tuần trước.


Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Trong nhóm năm nước dẫn đầu thế giới lần lượt về số ca mắc và ca tử vong, châu Âu đều có tới ba đại diện góp mặt.

Trong khi đó, Nam Mỹ tuần qua cũng chứng kiến số ca mắc tăng 14%, với tổng 136.532 ca được ghi nhận trên toàn khu vực, trong đó Brazil chiếm phần lớn với 84.833 ca mắc, tăng 19% so với tuần trước đó.

Các khu vực còn lại của thế giới đều ghi nhận xu hướng giảm ở cả số ca mắc và ca tử vong trong tuần. Trong đó, Bắc Mỹ giảm mạnh về số ca mắc với 564.636 ca (giảm 20%) và 12.890 ca tử vong (giảm 10%), tiếp đó là châu Phi lần lượt giảm 15% số ca mắc (35.929 ca) và giảm 9% ca tử vong (1.465), châu Á giảm lần lượt 8% số ca mắc (751.635 ca) và 4% ca tử vong (10.047 ca).

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi tuần qua, nước này ghi nhận tới 475.517 ca mắc mới cùng 9.542 ca tử vong. Song tỷ lệ mắc và tử vong đều giảm so với tuần trước, lần lượt giảm 20% và 7%.


Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Nhằm ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, Mỹ đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, công tác tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi trên có thể được khởi động trong nửa đầu tháng 11.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đang xem xét cấp phép vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở các độ tuổi nhỏ hơn ở nước này và dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/10.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sau đó sẽ cân nhắc các khuyến nghị về vaccine vào ngày 2 và 3/11, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu được thông qua, sẽ có thêm khoảng 28 triệu trẻ em nữa ở Mỹ sẽ được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Vaccine Pfizer/BioNTech hiện đã được triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong khi hãng dược này vẫn đang nghiên cứu áp dụng trên trẻ em dưới 5 tuổi.


Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 phút sáng 25/10 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 46.312.782 ca mắc Covid-19 cùng 756.362 ca tử vong.

Trên toàn cầu, thế giới ghi nhận tổng cộng 244.409.806 triệu ca nhiễm, trong đó có 4.963.504 ca tử vong. Hơn 221,4 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn hơn 18 triệu người đang được điều trị.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục