Ca mắc COVID-19 ở Hải Dương có liên quan tới virus chủng mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đặt Hải Dương trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây và phải khoanh vùng triệt để trong 10 ngày.

Sau khi nhận được thông tin từ phía Nhật Bản về việc phát hiện một phụ nữ Hải Dương dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh vào Osaka, cuối giờ chiều 27/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức cuộc họp khẩn với Thường trực Ban chỉ đạo tại Bộ Y tế.

Ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trực tiếp tới Hải Dương chỉ đạo công tác phòng chống, dịch khẩn cấp tại tỉnh.


Cuộc họp khẩn trong đêm sau khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Đến tối muộn 27/1, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, xác nhận 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (1 ca ở Hải Dương và 1 ca ở Quảng Ninh), Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, để nghe đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của hai địa phương báo cáo việc triển khai các biện pháp khoanh vùng, phát hiện và đưa đi cách ly các ca có tiếp xúc gần với các ca dương tính tại nơi ở và làm việc, triển khai công tác xét nghiệm và điều trị.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, theo thông tin của phía Nhật Bản, ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, do vậy cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.

“Do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y tế Công cộng và Trường Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm ngay trong sáng 28/1.

Trước đó, ngay khi có thông tin ca bệnh, đoàn công tác của Bộ Y tế, gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đã tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch. Đoàn công tác do PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - người đã có kinh nghiệm chống dịch tại các điểm nóng trong năm qua như Sơn Lôi, Bình Thuận, Đà Nẵng... điều hành công tác giám sát, truy vết, khoanh vùng.

Đoàn sẽ cắm chốt tại Hải Dương và phối hợp với tỉnh thực hiện ngay các biện pháp tổng thể chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về “thần tốc chống dịch”. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử cán bộ và sinh viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

“Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã điều động Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giúp tỉnh Hải Dương thiết lập ngay hệ thống điều trị tại địa phương để thực hiện  điều trị tại chỗ, chỉ trường hợp nặng mới chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong đêm 27 và sáng 28/1, Bộ Y tế điều các đơn vị của Bộ Y tế tới Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác xét nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu thực hiện ngày truy vết tới tận F3, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên báo cáo tình hình, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết

Theo VOV.vn

Tin cùng chuyên mục