“Thuận vợ, thuận chồng...”
Anh Hà Văn Điều làm huấn luyện viên môn bắn nỏ cho vợ là Hà Thị Khách, thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) đi thi các giải từ cấp xã đến cấp khu vực, cấp quốc gia. Anh được nhiều người nói vui là huấn luyện viên mát tay của bản.
Chị Khách kể rằng, ngay từ khi mới yêu nhau đã biết tiếng tăm bắn nỏ của anh Điều. Tại các buổi chơi hội đầu xuân, hình ảnh chàng trai trẻ cùng chiếc nỏ tự tin tranh tài khiến chị cảm mến và yêu từ khi nào không biết. Cả 2 gặp gỡ quen biết nhau và nhờ cây nỏ mà nên duyên khi chị chủ động đề nghị được theo học môn bắn nỏ. Và thật bất ngờ chỉ trong thời gian ngắn mà chị đã thành thục và khi tham gia tại các hội thi lớn bé đều giành được giải cao.
Vợ chồng anh Hà Văn Điều và chị Hà Thị Khách, thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) đều là những vận động viên bắn nỏ của huyện.
Đến thăm gia đình, anh Điều hào hứng giới thiệu bộ sưu tập những tấm huy chương quý là thành tích của cả gia đình giành được trong suốt nhiều năm tham gia thi đấu. Thành tích mà nhiều người phải ngưỡng mộ đó là chị Khách đã giành được Huy chương Vàng Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2016, giải nhì Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017, giải nhất Hội thi các dân tộc thiểu số năm 2018...
“Những tấm huy chương luôn được treo ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Đó vừa là truyền thống, vừa là niềm tự hào của bản thân tôi và là đam mê, cố gắng của các thành viên trong gia đình” - anh Điều tâm sự. “Tre già, măng mọc” sau khi được bố mẹ truyền dạy, các con của anh đều chơi rất thuần thục và cùng đi thi đấu nhiều giải thể thao các cấp. Trong đó có cậu con trai Hà Đức Hải là giáo viên thể dục và cũng là “hạt nhân” thể thao của huyện.
Câu chuyện “thuận vợ, thuận chồng” của gia đình anh Đặng Tài Tiến, thôn Cao Phạ, xã Minh Khương (Hàm Yên) cũng khá thú vị. “Chân ướt chân ráo” về làm dâu thế mà chị Bàn Thị Thủy vợ anh Tiến “xung phong” đại diện cho bà con trong thôn đi thi đấu. Kết quả, chị Thủy mang về nhiều giải nhất môn đẩy gậy cấp xã. Và từ đó, chị Thủy lại “tiếp lửa” động viên chồng mình tham gia thi đấu thể thao. 2 vợ chồng say mê luyện tập, cùng nhau thi đấu và giành được giải Nhất tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số huyện Hàm Yên năm 2014, năm 2016 ở bộ môn đẩy gậy...
Hai vợ chồng vận động viên Hà Văn Điều, Hà Thị Khách, thôn An Phú, xã Tân An (Chiêm Hóa) thi đấu tại lễ hội đầu xuân ở thôn bản.
Anh Tiến chia sẻ: “Thời gian rảnh rỗi, chúng tôi thường xuyên tập luyện cùng nhau. Trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh được những những lúc giận dỗi, nhưng nhờ có thể thao, chúng tôi làm lành nhanh chóng. Và cũng từ đó, tình yêu với môn thể thao này đã nảy nở với những người thân trong gia đình. Đó là vợ chồng người em là Bàn Thị Mai, Triệu Văn Lâm và cô em gái Triệu Thị Ngân”. Suốt hàng chục năm qua, đội thể thao gia đình người Dao đã có một thành tích đáng nể. Môn đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co đều được 5 anh em tham gia rinh giải về cho xã và huyện.
Lan tỏa tinh thần thể thao
Không quá sôi động như các môn thể thao thành tích cao, nhưng các môn thể thao dân tộc luôn tạo được nét riêng bởi sự gần gũi, thân thuộc. Cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy... gắn liền với đời sống, lao động và tập quán của bà con nhân dân trên địa bàn.
Anh Đồng Dương Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh cho biết, các “gia đình thể thao” chính là những hạt nhân, tạo động lực để thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Khi có nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình cùng chơi một hoặc nhiều môn thể thao thì ngoài việc nâng cao sức khỏe, tạo nên một xã hội khỏe mạnh, còn tạo nên sự gắn kết, gần gũi giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình với nhau, giữa gia đình này với gia đình khác… Điều đó cũng góp phần phát hiện, bồi dưỡng những “hạt giống” thể thao tiềm năng.
Gia đình thể thao Đặng Tài Tiến, thôn Cao Phạ, xã Minh Khương (Hàm Yên) trong giờ tập luyện.
Tại xã Thượng Nông (Na Hang) có nhiều gia đình, các thành viên cùng tích cực tham gia các môn thể thao dân tộc. Đầu xuân gặp gia đình thể thao Triệu Hải Phương và Nông Thị Mai, thôn Nà Khản. Cả anh Phương và chị Mai đều là vận động viên môn cà kheo của huyện. Anh Phương vừa đoạt giải Nhất môn cà kheo tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Tuyên Quang năm 2022, còn thành tích của chị Nông Thị Mai cũng đáng nể. Chị liên tục giành nhiều giải Nhất, giải Nhì tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số huyện Na Hang năm 2015, 2016, 2017.
Dù bận bịu công việc gia đình nhưng vợ chồng chị Mai vẫn thường xuyên luyện tập. Với sở trường là môn cà kheo nhưng hai vợ chồng vẫn tích cực chơi các môn bao bố, đẩy gậy, kéo co... Tinh thần của anh chị truyền sang cả bà con xóm bản. Anh Nguyễn Anh Ngọc, cán bộ văn hóa xã chia sẻ, trong thôn có nhiều cặp vợ chồng cùng đều là vận động viên tiêu biểu. Họ đã tạo ra được phong trào thể thao cho xã khi thường xuyên luyện tập, thành lập các đội thi đấu tranh tài tại các dịp lễ Tết, đầu xuân năm mới, hội thi thể thao.
Có kinh nghiệm thi đấu ở các cuộc thi cấp huyện và tỉnh, với chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Đồng Quảng, xã Trung Trực (Yên Sơn), bắn nỏ là môn thể thao có ý nghĩa đặc biệt, tinh túy và thiêng liêng nhất mà ông cha đã truyền lại. Vì thế, chị Huyên cho rằng, trách nhiệm của bản thân là phải làm gương, “truyền lửa” để lớp trẻ yêu thích và gắn bó với môn bắn nỏ nhiều hơn. Tiếp nối thành tích của chị, các thành viên trong gia đình từ con gái, con trai, con rể đều học bắn nỏ để phát huy truyền thống. Bên cạnh đó, chị còn tập hợp thanh niên yêu thích môn bắn nỏ để tập luyện, hình thành ở họ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo anh Nguyễn Sỹ Kha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Hàm Yên, hàng năm, tại các địa phương đều tổ chức những giải thể thao truyền thống và chú trọng các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn... Do đó, các giải đấu, hoạt động thể thao miền núi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên; là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân.
Môn thể thao truyền thống thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày hội... tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 300 gia đình thể thao dân tộc thiểu số. Vào các dịp xuân về, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau tranh tài “lan tỏa” tình yêu tinh thần thể dục thể thao khắp các bản làng, hội xuân.
Gửi phản hồi
In bài viết