Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 6-2022 tăng 3,18% so với tháng 12-2021 và tăng 3,37% so với tháng 6-2021. Bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%), phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.
Vị chuyên gia này dự báo, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%. Sở dĩ PGS.TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo trên bởi có nhiều yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát, trong đó tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như những tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
Yếu tố nữa là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa quan điểm, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên, vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%.
Nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức 3,8% - 4,1%.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhìn nhận, CPI những tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng mạnh hơn những tháng đầu năm, việc thực hiện chỉ tiêu lạm phát ở dưới mức 4% là rất khó khăn.
Các chuyên gia kiến nghị thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát linh hoạt, chủ động. Trong đó, Chính phủ cần tập trung ổn định giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; đồng thời, kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, tránh gây tác động cộng hưởng lên lạm phát…
Gửi phản hồi
In bài viết