Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây
Cù lao Mây (hay cù lao Lục Sĩ Thành) nằm giữa sông Hậu, thuộc địa bàn hai xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành (huyện Trà Ôn). Nơi đây nổi tiếng với những vườn trái cây sai trĩu bốn mùa và đặc sản bánh tráng dân dã.
Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây được hình thành vào thập niên 1960. Năm 2009, tỉnh Vĩnh Long đã công nhận đây là làng nghề truyền thống, với 15 hộ chuyên sản xuất các loại bánh tráng như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng trắng... Ngoài tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất, du khách còn có thể lưu trú tại các homestay để tìm hiểu cuộc sống của người dân và văn hóa bản địa.
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa
Được hình thành cách đây khoảng 1 thế kỷ và có nguồn gốc từ Trung Quốc, Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) hiện có khoảng 20 gia đình người Hoa và người Kinh theo nghề.
Mỗi ngày, các hộ sản xuất trung bình 3 tấn sản phẩm với nhiều loại khác nhau. Để làm tàu hũ ky, người ta ngâm đậu nành chừng 2 tiếng rồi xay thành bột, cứ 2,4kg đậu nành tươi sẽ nấu được 1kg tàu hũ ky. Sau khi xay, người ta vắt lấy nước rồi đun lấy váng. Người thợ phải có kinh nghiệm để tính toán thời gian than cháy khớp với lúc vớt hết bọt để lớp váng nổi lên. Khi tàu hũ ky chín thì dùng dao nhỏ cắt đôi rồi phơi lên sào bắc trên miệng chảo. Cứ 25 phút sẽ có một lớp váng được hình thành. Tháng 8-2022, nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng hoa mai Phước Định
Mặc dù không sầm uất như Làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (Bến Tre) hay Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), nhưng Làng hoa mai Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) được mệnh danh là “thủ phủ” của mai vàng miền Tây Nam Bộ. Nơi đây hiện sở hữu khoảng 800 gốc mai cổ hơn 100 năm tuổi quý hiếm và có giá trị cao, cùng hàng chục nghìn gốc mai trung từ 50 - 100 tuổi và gốc mai tiểu trên 30 năm tuổi được tạo kiểu bonsai độc đáo.
Đặc biệt, Làng nghề hoa mai Phước Định chỉ trồng loại mai vàng 5 cánh truyền thống của Nam Bộ để phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là giống hoa nguyên thủy, không lai ghép, đòi hỏi sự chăm sóc, uốn tỉa công phu, mất nhiều thời gian hơn các loại hoa khác nên giá thành khá cao.
Làng nghề hoa mai Phước Định có lịch sử hình thành trên 60 năm và đã được công nhận là Làng nghề hoa truyền thống từ tháng 7-2009.
Gửi phản hồi
In bài viết