Các ngân hàng thương mại tìm cách đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm

Với cơ chế cấp room tín dụng mới, các ngân hàng tăng tính chủ động trong cho vay và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Các ngân hàng thương mại tìm cách đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng đã triển khai ngay các giải pháp đẩy mạnh cho vay, hướng đến những khách hàng tốt, dự án triển vọng ngay từ đầu năm với mức vốn hợp lý.

Chủ động hơn trong cấp tín dụng

Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, Ngân hàng Nhà nước đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng trong năm 2024 ở mức 15%. Nếu tính trên cơ sở lượng tiền dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, đồng nghĩa có gần 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được tăng thêm trong năm 2024.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chủ động giao room tín dụng cho từng ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng tự quyết, chủ động kế hoạch kinh doanh, không còn cơ chế xin - cho. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với trước (vốn được chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị để được xem xét điều chỉnh room).

Với Agribank, do được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với năm ngoái, tương đương khoảng 175.000 tỷ đồng, nên việc phân bổ vào các lĩnh vực có tính chất mùa vụ dịp Tết Nguyên đán và quý 1 đã ngay lập tức được triển khai. Ngay từ những ngày đầu năm, Agribank cũng đã điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất cố định từ 7%/năm đồng thời giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay bất động sản.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết trong những ngày đầu năm 2024, cũng là thời điểm sẽ vào mùa sản xuất, tiêu dùng nhộn nhịp sôi động nhất chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, thì đây cũng là khoảng thời gian được cho là cần tăng tốc để vốn tín dụng tiếp tục đưa đến các địa chỉ cần hấp thụ hiệu quả nhất.

Trong năm nay Vietcombank định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng lẻ, trong đó sẽ cho vay tiêu dùng mua nhà ở, cùng với đó là mở rộng Tín dụng Xanh, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cho rằng các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc phân bố tăng trưởng tín dụng của mình.

Theo ông Hưng, những tháng đầu năm 2023, các ngân hàng dè dặt vừa cho vay vừa tính toán liệu cuối năm có thu xếp đủ room và có cần phải để dành tín dụng cho một số khách hàng mình muốn chú trọng, khách hàng lớn hay không.

“Với cơ chế có tiêu chí rõ ràng như hiện nay, các ngân hàng sẽ biết được với tiêu chuẩn điều kiện, điểm số và xếp hạng của ngân hàng mình thì sẽ tự tính được mức tín dụng của mình để chủ động hơn,” ông Hưng nhấn mạnh.

Được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình toàn ngành ngay từ đầu năm, LPBank dự kiến giải ngân khoảng 40% trong 6 tháng đầu năm và 60% còn lại sẽ tập trung cho nửa cuối năm.

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng Giám đốc LPBank cho biết: "Với việc được cấp room ngay từ đầu năm, chúng tôi sẽ chủ động được nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, kỳ hạn và số lượng đáp ứng các nhu cầu tín dụng ngắn, trung và dài hạn."

 

Vietcombank ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 5,3%-6,6%/năm cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau khi được giao room tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chủ động thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm, thông qua các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.

Vietcombank thông báo triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với gói tín dụng 160.000 tỷ đồng.

Chương trình áp dụng cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 5,3%-6,6%/năm với thời gian từ 3 tháng đến 12 tháng.

Sacombank cũng đã chủ động tăng thêm 20.000 tỷ đồng đối với gói vay sản xuất kinh doanh dành cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân với lãi suất từ 3%-5,5%/năm. Bên cạnh đó Sacombank triển khai gói vay mới phục vụ đời sống có hạn mức 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng.

VietinBank và ACB cũng triển khai gói Tín dụng Xanh từ 2.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5,8%-6,2%/năm. Các khoản vay được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn.

Bên cạnh đó mốt số ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 1%-2% so với cuối năm ngoái, xuống còn từ 5,9%-6,5%/năm nhằm kích thích tiêu dùng.

Tăng trưởng tín dụng có khả quan?

Theo nhận định của các chuyên gia, với cơ chế điều hành tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Các ngân hàng tăng tính chủ động trong cho vay, là một thuận lợi đối với họ và cũng là thuận lợi với doanh nghiệp - những khách hàng của ngân hàng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% chung cho các ngân hàng có ý nghĩa tạo cơ chế chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành và giám sát. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát các ngân hàng một cách linh hoạt để nắn dòng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, vào các khu vực động lực tăng trưởng, tránh để tín dụng tăng nóng, hạn chế đua lãi suất huy động vốn nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất và chất lượng tín dụng.

 

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, bà Trương Hoàng Diệp Hương - Học viện Ngân hàng cho rằng thị trường bất động sản là yếu tố quyết định lớn đến nhu cầu tín dụng cá nhân. Theo đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục những biện pháp để giúp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, thời gian tới đây, khi điều chỉnh lại chính sách tiền lương, tăng lương cơ sở trong năm 2024... sẽ là nhân tố ảnh cầu về tiêu dùng của người dân và tác động phần nào đến tín dụng tiêu dùng.

Còn Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc cấp room tín dụng một lần trong năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại có mục tiêu để phấn đấu. Để đạt được hạn mức tín dụng này là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa và cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao thêm room cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục