(Ảnh: kitco.com)
Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới chỉ ra rằng, 6 ngân hàng Trung ương đã tăng dự trữ vàng (từ 1 tấn trở lên) trong tháng; cả 6 ngân hàng này cũng chính là những cơ quan mua thường xuyên gần đây.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường bổ sung vàng vào kho dự trữ nhiều nhất với lượng vàng mua trong tháng 1 lên tới 12 tấn, nâng tổng lượng vàng nắm giữ của quốc gia này lên 552 tấn, chỉ giảm 6% so mức kỷ lục của quốc gia châu Á là 587 tấn vào tháng 2 năm ngoái.
Trong khi đó, dự trữ vàng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng 10 tấn. Đây là tháng bổ sung vàng thứ 15 liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tổng lượng vàng nắm giữ hiện tại của Trung Quốc ở mức 2.245 tấn, cao hơn gần 300 tấn so thời điểm cuối tháng 10/2022 khi ngân hàng này báo cáo tiếp tục hoạt động tích trữ vàng.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã bổ sung thêm gần 9 tấn vàng vào kho dự trữ. Đây là mức tăng dự trữ vàng hằng tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2023 của Ấn Độ. Ngân hàng này hiện nắm giữ 812 tấn vàng.
Tiếp đó, Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan đã mua 6 tấn vàng trong lần bổ sung hằng tháng đầu tiên kể từ tháng 1/2023.
Ngân hàng Trung ương Jordan đã mua 3 tấn vàng trong tháng 1, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 75 tấn.
Ngân hàng Quốc gia Séc mua thêm gần 2 tấn, đánh dấu tháng mua thứ 11 liên tiếp. Trong khoảng thời gian 11 tháng, dự trữ vàng quốc gia này đã tăng từ 12 tấn lên hơn 32 tấn (+170%).
Trong khi đó, hoạt động bán ra của các ngân hàng Trung ương trong tháng 1 ghi nhận giảm đáng kể. Lượng bán lớn đáng chú ý nhất đến từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Dự trữ vàng tại CBR tiếp tục giảm 3 tấn theo lộ trình từ năm 2021.
Theo WGC, hoạt động mua vào tháng 1 cũng hỗ trợ kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ là một năm vững chắc nữa về nhu cầu vàng của các ngân hàng Trung ương. Các cơ quan này, đặc biệt là các ngân hàng ở các thị trường mới nổi đã thể hiện rõ chiến lược dài hạn hướng tới tích lũy vàng từ năm 2010.
WGC cũng chỉ ra lý do các ngân hàng Trung ương tiếp tục bổ sung vàng vào dự trữ. Các ngân hàng đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế-chính trị, trong bối cảnh này, sở hữu vàng vẫn phù hợp hơn bao giờ hết.
Gửi phản hồi
In bài viết