Hội nghị các bộ trưởng môi trường và bền vững khí hậu G20 tại Ấn Độ được coi là cơ hội để các quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới thực hiện các bước cụ thể trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 9 tại New Delhi và Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào tháng 12 tới.
Hội nghị kỳ vọng có thể đặt ra các mục tiêu giúp cắt giảm tới 60% khí thải nhà kính vào năm 2035.
Tuy nhiên, sau các cuộc họp ngày 28-7 (giờ địa phương) tại thành phố Chennai, ban tổ chức đã công bố một tài liệu cho thấy, khối này vẫn bị chia rẽ về các lời kêu gọi do các quốc gia phát triển dẫn đầu, nhằm giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2025 và cắt giảm 60% vào năm 2035 so với mức của năm 2019.
Theo tài liệu nói trên, các thành viên đã không thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề như: Sự cạn kiệt "ngân sách carbon", các mục tiêu phát thải bằng 0, cũng như nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Một quan chức Ấn Độ cho biết thêm, các nước phát triển trong nhóm đã yêu cầu giảm thiểu phát thải khí nhà kính để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản đối gay gắt từ các nước đang phát triển, với quan điểm cho rằng, các mục tiêu giảm thiểu - nhằm cắt giảm hoặc loại bỏ khí thải nhà kính, hoặc loại bỏ chúng khỏi bầu khí quyển - sẽ hạn chế khả năng phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng.
Các thành viên của một phái đoàn châu Âu cũng tiết lộ, Trung Quốc và Arab Saudi giàu dầu mỏ đã từ chối thực hiện các cam kết trong các cuộc đàm phán G20.
Về phần mình, Ủy viên Môi trường của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá ngắn gọn rằng, các nước G20 "chẳng đi đến đâu" trong cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Sự bế tắc mới nhất diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà khoa học một lần nữa cảnh báo, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã đóng một vai trò “hoàn toàn áp đảo” trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt quét qua Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết