Lãnh đạo và đại diện các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ibero-America lần thứ 28.
Các nước cam kết đẩy lùi tình trạng mất an ninh lương thực ở khu vực Mỹ Latin, cải thiện các biện pháp kiểm soát di cư, đồng thời tìm cách tăng nguồn hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế còn khó khăn trong khu vực.
Theo Tổng Thư ký Ibero-America Andres Allamand (An-đơ-rết A-gia-man), hiện Mỹ Latin có khoảng 60 triệu người đang phải đối mặt với những vấn đề về an ninh lương thực và mục tiêu tổ chức là xóa bỏ nạn đói trên phạm vi toàn khu vực. Nhiều hướng giải quyết đã được nêu ra, trong đó cần chú trọng khắc phục con số khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất trong khu vực đang bị lãng phí bởi những vấn đề trong khâu phân phối, tích trữ hoặc trong các chuỗi tiếp thị hiện nay. Để hiện thực hóa các mục tiêu trong tuyên bố chung, các quốc gia thành viên sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn.
Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latin trong năm 2023 chỉ ở mức gần 2%, giảm mạnh so năm 2022, chủ yếu do lãi suất cao khiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, trong khi giá nguyên liệu thô sụt giảm. Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, chi phí cho một chế độ ăn lành mạnh ở mức cơ bản tính theo ngày tại khu vực này đang ở mức rất cao và khoảng 22,5% dân số Mỹ Latin hiện không đủ khả năng tài chính để chi trả.
Bên cạnh kinh tế, môi trường cũng là chủ đề rất được các quốc gia quan tâm. Tổng thống Bolivia Luis Arce (Lu-ít A-rơ-xê) nhấn mạnh ảnh hưởng ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu tới năng suất vụ mùa nông nghiệp. Một số nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cũng nhất trí cần tăng hỗ trợ tài chính để giúp các quốc gia giảm nạn đói và chống tình trạng ấm lên toàn cầu. |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng Thư ký Allamand nhấn mạnh bối cảnh khu vực hiện tại là sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Việc Tây Ban Nha, thành viên của cộng đồng Ibero-America sẽ đảm nhiệm vị trí luân phiên của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu từ tháng 7 đến tháng 12/2023 sẽ là cơ hội để tổ chức các chương trình nghị sự trong tương lai giữa Mỹ Latin và châu Âu nhằm hợp tác giải quyết nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, lạm phát hay những mối lo về hệ thống tài chính thế giới.
Các đại biểu đánh giá, hệ thống tài chính hiện nay cần có sự thay đổi quyết liệt, điều này cần sự đoàn kết, đồng thuận của cả cộng đồng Ibero-America, trong đó chủ nghĩa đa phương đóng vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của khu vực trên trường quốc tế.
Lãnh đạo và đại diện các nước tham dự hội nghị cũng kêu gọi tăng cường hợp tác về vấn đề di cư, trước thực trạng hàng nghìn người rời bỏ quê hương từ các quốc gia Mỹ Latin để đến biên giới Mỹ do khó khăn kinh tế, bạo lực và nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đời sống. Một hội nghị thượng đỉnh để trao đổi riêng về vấn đề này đã được các đại biểu đề xuất tổ chức trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi đoàn kết nhanh chóng tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti, trong bối cảnh nạn bạo lực băng nhóm gia tăng vượt kiểm soát tại quốc gia Caribe này khiến khoảng hơn 500 người chết và 300 người bị bắt cóc tính từ đầu năm đến nay.
Ibero-America là tổ chức quốc tế được thành lập năm 1949. Với 23 thành viên, cộng đồng Ibero-America gồm các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha ở khu vực Mỹ Latin, châu Âu và châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh Ibero-America lần thứ 28 vừa qua tại Cộng hòa Dominicana có chủ đề “Cùng nhau vì một khu vực Ibero-America công bằng và bền vững”, tập trung thảo luận về bốn trụ cột chiến lược là khủng hoảng môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, an ninh lương thực và cấu trúc tài chính quốc tế. Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 sẽ được tổ chức tại thủ đô Quito của Ecuador vào tháng 11/2024, với chủ đề “Đổi mới, hòa nhập và bền vững ở khu vực Ibero-America”.
Gửi phản hồi
In bài viết