Ảnh minh hoạ
Nhà chức trách Hà Lan ngày 28/12 cho biết biến thể Omicron đã trở nên phổ biến ở quốc gia này, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng số người nhập viện.
Theo thông báo của Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan, mặc dù mức độ lây nhiễm đã giảm xuống với 9.213 trường hợp mắc bệnh ngày 28/12 nhưng khả năng lây nhiễm mạnh của biến thể Omicron sẽ dẫn đến các trường hợp nhiễm mới trong những ngày tới và gia tăng số người nhập viện.
Cách đây 10 ngày, Hà Lan đã thông báo về việc phong tỏa trong kỳ nghỉ lễ nhằm hạn chế sự lây lan của các trường hợp nhiễm Omicron. Các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và viện bảo tàng đã đóng cửa cho đến ngày 14/1/2022. Viện Y tế công cộng quốc gia cũng cho biết động thái này dường như đang mang lại hiệu quả tích cực với số ca nhập viện giảm từ 256 bệnh nhân trong tuần trước xuống còn 191 bệnh nhân trong tuần này. Hiện hơn 20% dân số trưởng thành ở Hà Lan đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tương tự, Omicron hiện là biến thể chủ đạo gây COVID-19 tại Thụy Sĩ và thậm chí đã khiến những người từng tiêm liều vaccine tăng cường cũng phải nhập viện điều trị.
Trong cuộc họp báo tại Bern, giới chức nước này thừa nhận Thụy Sĩ hiện là một trong số những quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất châu Âu, trong đó mức độ lây nhiễm trong những người ở độ tuổi 20 là nghiêm trọng nhất.
Giám đốc Quản lý khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Thụy Sĩ Patrick Mathys cho biết khoảng 55% trường hợp mắc bệnh ở nước này hiện nay là do biến thể Omicron gây ra, trong số đó có nhiều người dù đã tiêm liều tăng cường nhưng vẫn phải nhập viện.
Trong ngày 28/12, Thụy Sĩ ghi nhận hơn 13.000 trường hợp mắc mới COVID-19. Con số này dự kiến sẽ đạt 20.000 ca/ngày vào tháng tới. Tính đến nay, đất nước 8,6 triệu dân này đã có hơn 1,27 ca mắc COVID-19. Khoảng 67% dân số nước này đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản ngừa COVID-19. Ngoài ra, 22% dân số đã tiêm mũi thứ 3.
Cũng trong ngày 28/12, Chính phủ Phần Lan thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với những du khách chưa tiêm phòng COVID-19. Theo quyết định được Bộ Nội vụ Phần Lan thông báo sau cuộc họp chính phủ, chỉ những du khách nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có giấy chứng nhận đã hoàn tất tiêm chủng cơ bản vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã từng mắc căn bệnh này mới được phép nhập cảnh Phần Lan.
Những trường hợp chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ không được nhập cảnh Phần Lan, trừ khi họ là công dân của nước này, những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu và các nhà ngoại giao. Quy định mới trên cũng sẽ được áp dụng cả với các công dân Liên minh châu Âu (EU) muốn tới Phần Lan.
Cùng ngày, Chính phủ Đức cũng siết chặt các quy định trên toàn quốc, ngay cả đối với những người đã tiêm chủng và phục hồi sau khi mắc COVID-19, nhằm kiềm chế sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo quy định mới nhất này, các cuộc tụ họp của những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 được giới hạn ở mức tối đa 10 người. Những người chưa tiêm chủng có thể tụ họp với tối đa 2 người khác ngoài gia đình. Những quy định này không áp dụng đối với trẻ dưới 14 tuổi. Ngoài ra, các hoạt động tụ tập đón Giao thừa và bắn pháo hoa trong những ngày cuối năm sẽ bị cấm trên toàn quốc.
Viện Robert Koch (RKI) cho biết số ca nhiễm biến thể Omicron tại Đức đã tăng 45% trong vòng một ngày, theo đó nước này hiện có 10.443 trường hợp nhiễm Omicron. RKI cho biết hầu hết các trường hợp nhiễm Omicron tại nước này thuộc 2 nhóm tuổi 15-34 và 35-59.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Đức, nước này đặt mục tiêu tiêm chủng kịp thời và nhanh chóng để có thể kìm hãm làn sóng Omicron sắp tới càng lâu càng tốt và sau đó xây dựng "lá chắn phòng bệnh" đầy đủ trong dân chúng.
Số ca mắc mới COVID-19 thống kê theo ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên vượt 30.000 ca vào ngày 28/12, trong bối cảnh Bộ Y tế nước này cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của Omicron.
Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 32.176 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ ngày 12/10 vừa qua - và 184 trường hợp tử vong do căn bệnh này trong ngày 28/12. Tỉ lệ mắc mới ở nước này đã tăng 30% trong ngày 28/12.
Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca đã kêu gọi người dân đi tiêm liều vaccine tăng cường để chủ động phòng ngừa, trong bối cảnh hơn 10% các trường hợp mắc mới COVID-19 ở nước này là do biến thể Omicron gây ra.
Giới chức y tế CH Cyprus vừa thông báo nước này đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh này bùng phát tại đây hồi tháng 3/2020.
Cụ thể, trong ngày 28/12, đảo quốc này ghi nhận 2.241 trường hợp mắc mới COVID-19, tăng so với mức 1.925 ca ghi nhận ngày trước đó. Tính đến nay, CH Cyprus đã có 154.926 trường hợp mắc COVID-19 và 630 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
CH Cypurs cũng thông báo trường hợp đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Omicron vào ngày 10/12 vừa qua. Các chuyên gia y tế tin rằng Omicron dễ lây lan hơn các biến thể trước đó, song những người nhiễm biến thể này ít có nguy cơ phải nhập viện điều trị. Hiện đã có hơn 80% dân số trưởng thành ở CH Cyprus hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản ngừa COVID-19.
Tuy là một trong số những quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhưng giới chức y tế Bồ Đào Nha tối 28/12 xác nhận nước này đã ghi nhận 17.172 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.
Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cho biết nước này có thể đạt mốc 37.000 ca/ngày vào khoảng ngày 7/1/2022, đồng thời nêu rõ sự gia tăng các ca mắc COVID-19 đang gây ra áp lực rất lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ quan chức năng trong việc truy vết tiếp xúc. Hiện gần 90% dân số Bồ Đào Nha đã được tiêm chủng ngừa COVID-19 và gần 2,4 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây COVID-19 tại Bồ Đào Nha trước Giáng sinh. Tuy số ca bệnh gia tăng đáng kể nhưng số người nhập viện và phải chăm sóc tích cực lại chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Chính phủ nước này đã đưa ra các hạn chế để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm, bao gồm việc áp dụng kiểm tra chứng nhận tiêm phòng COVID-19 và yêu cầu đeo khẩu trang trên phạm vi rộng hơn, yêu cầu các công sở cho nhân viên làm việc tại nhà, đồng thời đóng cửa các quán bar và hộp đêm. Học sinh cũng được nghỉ học tới ngày 9/1 nhằm giảm bớt tiếp xúc xã hội sau thời gian lễ hội.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 29/12 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.409 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 5.283 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày đầu tiên trong 3 ngày qua, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt trên 5.000 ca/ngày.
Mặc dù số ca nhiễm mới gia tăng, song Hàn Quốc ghi nhận một số dấu hiệu chuyển biến tích cực như tỉ lệ bệnh nhân điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt đã giảm từ 81,1% còn 78,7%, không có bệnh nhân COVID-19 phải đợi để nhập viện điều trị trong đêm, rạng sáng 29/12. Đây cũng là ngày đầu tiên trong 26 ngày qua, số ca tử vong trong một ngày giảm dưới 40 ca/ngày.
Liên quan đến biến thể Omicron, Hàn Quốc trong 24 giờ qua có 109 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 558 ca.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, Hàn Quốc ngày 18/12 đã áp đặt các biện pháp phòng dịch điều chỉnh trên cả nước như hạn chế các sự kiện tập trung đông người, giảm thiểu số người tụ tập tại khu vực thủ đô và các địa phương trên cả nước cũng như giảm giờ hoạt động của các cơ sở dịch vụ. Các biện pháp này có hiệu lực đến ngày 2/1/2022. Dự kiến, trong ngày 31/12, Hàn Quốc sẽ công bố quyết định mới về việc có hay không gia hạn quy định này.
Ngày 29/12, Australia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay do sự lây lan của biến thể Omicron.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Australia có thêm 16.500 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 11.300 ca trong ngày 28/12. Số ca mắc mới tại New South Wales (NSW) - bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến thể Omicron, tăng gần gấp đôi lên 11.201 ca so với mức 6.062 ca một ngày trước đó. Số ca mắc mới tại bang Victoria cũng tăng hơn 1.000 ca lên mức 3.776 ca.
Australia đang phải vật lộn đối phó với làn sóng lây nhiễm Omicron, song giới chức nước này vẫn loại trừ biện pháp phong tỏa, cho rằng cần tập trung vào lượng bệnh nhân phải nhập viện. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống còn 4 tháng bắt đầu từ ngày 4/1 tới, đồng thời siết chặt một số hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà. Trên thực tế, dù số ca bệnh phải nhập viện đang tăng, song vẫn còn khá xa so với mức đỉnh trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra./.
Gửi phản hồi
In bài viết