Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu trong một cuộc họp báo
trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng OECD ở Paris, Pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu trong một cuộc họp báo trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng OECD ở Paris, Pháp.
Theo Reuters, một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15% và khiến họ khó né thuế hơn đã được các quốc gia nhất trí. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, vốn thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn.
OECD cho biết trong một tuyên bố hôm 8-10, thỏa thuận mang tính bước ngoặt được gần 140 quốc gia đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu nhất trí "cũng sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất cho các quốc gia trên toàn thế giới, bảo đảm rằng các công ty này trả một phần thuế công bằng ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động và tạo ra lợi nhuận".
Theo Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, đây là một thắng lợi lớn cho chủ nghĩa đa phương hiệu quả và cân bằng.
Thỏa thuận này đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách thuế vì nó không chỉ áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu, mà còn buộc các công ty phải nộp thuế tại nơi họ hoạt động, chứ không chỉ tại nơi họ đặt trụ sở chính. Các quốc gia cần tiếp tục làm việc về một số chi tiết quan trọng để thỏa thuận mới này sẵn sàng có hiệu lực trong năm 2023.
CNBC nhận định, thông báo từ các nhà lãnh đạo quốc tế được đưa ra một phần do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, làm dấy lên nhu cầu đánh thuế công bằng hơn, trong bối cảnh các quốc gia đang cạnh tranh các nguồn tài trợ mới.
Theo BBC, OECD cho rằng, thỏa thuận vừa được nhất trí có thể mang lại thêm 150 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, thúc đẩy các nền kinh tế khi phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết