Thái Lan dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch Covid-19 đối với lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh ăn uống kể từ tháng 9.
Một nhóm các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, có nhiệm vụ ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, ngày 27-8 đã kêu gọi các quốc gia có nguồn dự trữ vắc xin lớn chia sẻ "vũ khí hữu hiệu" trong cuộc chiến chống Covid-19 với các chương trình phân phối tới các nước có thu nhập thấp hơn.
Trong một tuyên bố chung, nhóm các nhà lãnh đạo đa phương, bao gồm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lưu ý rằng, hiện mới có chưa đầy 2% số người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Con số này quá thấp so với mức gần 50% ở các nước có thu nhập cao.
Châu Á - châu Đại dương
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 27-8, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 247 ca mắc mới, trong đó có 144 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 103 ca cộng đồng. Để ứng phó tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng, Bộ Y tế Lào đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đặc biệt các bệnh viện dã chiến đã được thành lập có thể tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời sẽ mở thêm các trung tâm cách ly để chuẩn bị cho làn sóng lao động Lào mất việc tại Thái Lan tiếp tục về nước; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng cho người dân để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tại nước láng giềng Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 17 người tử vong và 411 ca mắc mới, bao gồm 85 ca nhập cảnh và 326 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 91.369 ca mắc, trong đó 87.299 người đã khỏi bệnh và 1.858 người tử vong.
Tại Indonesia, số ca mắc đã vượt mốc 4 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 12.618 ca mắc mới. Indonesia cũng ghi nhận thêm 599 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 130.781 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo 22.070 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 1.662.913 ca. Với đà lây lan nhanh chóng của các biến chủng mới, các chuyên gia y tế nước này khuyến cáo nên đeo hai khẩu trang cùng tấm chắn giọt bắn.
Thái Lan ghi nhận thêm 18.702 ca nhiễm mới cùng 273 trường hợp tử vong trên toàn quốc, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.139.571 ca, trong đó có 10.587 người không qua khỏi. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch Covid-19 đối với lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh ăn uống kể từ tháng 9 tới, trong khi các cuộc gặp gỡ cũng được nâng lên mức tối đa 25 người tham gia.
Theo Guardian ngày 27-8, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết, làn sóng Covid-19 bùng phát gần đây đã "được kiểm soát một cách hiệu quả", với 32 ca Covid-19 mới được ghi nhận, trong đó có 30 trường hợp là nhập cảnh.
Hàn Quốc đang phải vật lộn với số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao ở những người lao động nhập cư. Nhiều người trong số này đang sống và làm việc trong những điều kiện rất dễ bùng phát ổ dịch. Hàn Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen, từ ngày 1-9 tới.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết, số bệnh nhân nguy kịch ở nước này đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 15 liên tiếp, vượt ngưỡng 2.000 người, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 là 1.413 ca. Bộ này cũng vừa quyết định cho phép sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế.
Tại châu Đại Dương, Australia ghi nhận 982 ca nhiễm mới, trong đó có tới 882 ca tại New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất cả nước. Cho đến nay, khoảng một nửa dân số Australia ở NSW, Victoria và lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) vẫn sống trong khu vực áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
New Zealand ghi nhận 70 ca mắc mới, trong đó có 14 ca ở thành phố Auckland. Như vậy, New Zealand có tổng cộng 347 ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát mới này. Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng lên, New Zealand đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến tuần tới và để ngỏ khả năng tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế tại thành phố Auckland, tâm dịch hiện nay.
Châu Mỹ
Reuters ngày 27-8 dẫn thông báo từ Điều phối viên ứng phó với dịch Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết: "Chúng tôi hiện đã đạt được một cột mốc quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng cho tuổi vị thành niên, 50% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã có ít nhất mũi tiêm đầu tiên. Và trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ vị thành niên đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác".
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, chương trình tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 tại Mỹ đầy hứa hẹn và giới chức y tế liên bang đang thảo luận về khung thời gian để tiêm mũi tăng cường này.
Ở châu Mỹ, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Mexico (UNAM) đã sáng tạo ra loại khẩu trang có khả năng tiêu diệt Covid-19 bằng việc sử dụng các lớp nano bạc và đồng. Khẩu trang 3 lớp mới được phát triển có tên gọi SakCu. Loại khẩu trang này có thể tái sử dụng và giặt rửa lên đến 10 lần mà không làm mất đi khả năng diệt khuẩn.
Châu Âu
Tại Anh, 38.046 người có xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 trong 24 giờ qua. Trong 7 ngày qua, tổng cộng có 239.237 trường hợp mắc Covid-19, tăng gần 20.000 người so với tuần trước. Theo thống kê, đến nay, 78% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 27-8, Italia tuyên bố tái áp đặt một số hạn chế để phòng dịch Covid-19 tại vùng Sicily. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, cũng như hành vi cá nhân như giãn cách xã hội.
Chính phủ Slovakia quyết định áp đặt các biện hạn chế nghiêm ngặt hơn từ tuần tới đối với 14 trên tổng số 79 huyện do các ca bệnh gia tăng trở lại. Số ca Covid-19 tại Slovakia đã tăng nhẹ trong vài tuần qua với tỷ lệ 2,7% số mẫu được phân tích có kết quả dương tính.
Bộ Y tế Đan Mạch thông báo, nước này sẽ nới lỏng tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 10-9 tới với lý do dịch Covid-19 không còn là mối đe dọa khi 70% dân số quốc gia Bắc Âu này đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19.
Cùng ngày, EU quyết định khôi phục một số biện pháp hạn chế để phòng, chống Covid-19, trong đó có các yêu cầu cách ly và xét nghiệm đối với những người chưa tiêm vắc xin đến từ Mỹ và 5 nước khác. Như vậy, các quốc gia EU đã bắt đầu loại Mỹ khỏi danh sách các nước có công dân có thể đi đến 27 nước trong khối mà không phải chịu hạn chế bổ sung liên quan đến Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết