Coi dạy và học trực tuyến là một giải pháp mới
Mùa hè năm 2019, khi chưa hề có dịch Covid 19, chúng tôi cùng giáo sư Seung Yong Uhm (một chuyên gia của Hàn Quốc từng nhiều năm làm việc tại Việt Nam) lên chuyến tàu tốc hành đi từ Sơ Un về phía Nam Hàn Quốc. Sau khi đã ổn định vị trí trên tàu và đoàn tàu cao tốc bắt đầu chạy với tốc độ cao, tôi thấy giáo sư Uhm (tên gọi thân mật) mở máy tính và bắt đầu một buổi dạy trực tuyến. Tâm trí của ông như để cả vào bài giảng. Chỉ với một máy tính cá nhân và micro vừa đủ, trong lúc tàu chạy với tốc độ rất cao, buổi dạy của Mr Uhm cho một lớp học cách xa hàng trăm cây số đã khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi những tiện ích mà phương pháp dạy và học trực tuyến mang lại trong hoạt động giáo dục.
Hóa ra, chuyện dạy trực tuyến không chỉ bắt đầu khi có dịch bệnh mà đã được áp dụng ở các trường đại học Hàn Quốc và trên thế giới. Khi tìm hiểu những công nghệ hỗ trợ giảng dạy và học tập trực tuyến, chúng tôi hiểu rằng: Đây là một trong những công nghệ kết nối giao tiếp phục vụ nền công nghiệp truyền bá tri thức của nhân loại từ lâu đã được những nhà lập trình tích hợp chúng vào những phần mềm tiện ích của nhiều hệ sinh thái công nghệ số.
Thay đổi tư duy và cách nhìn nhận về dạy trực tuyến ở cơ sở
Khi Việt Nam bắt đầu làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất, đã có không ít trường học lúng túng khi tất cả học sinh phải nghỉ học ở nhà. Rồi việc học trực tuyến được quyết định triển khai như một giải pháp tình thế. Những phần mềm tiện ích được Microsoft, Zoom, Google... tích hợp từ chỗ không ai chú ý bỗng trở thành công cụ cứu cánh. Cả xã hội xoay chuyển thích ứng với việc học tập và làm việc trực tuyến.
Giáo viên Trường THPT Na Hang chuẩn bị giáo án dạy học online.
Quả thực, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi cũng đã từng nhiều lần tổ chức hoặc tham gia các hội thảo trực tuyến trên thế giới nhưng không thể nghĩ rằng có ngày nó trở thành một phương pháp giảng dạy và học tập chủ yếu ở các trường đại học. Về sau, phương pháp này còn phổ biến khi nó được áp dụng trong giảng dạy ở bậc học phổ thông.
Nhìn từ góc độ người dạy và người học: Việc xoay chuyển, thích nghi và tìm cách tốt nhất để sử dụng nó như thế nào luôn là một câu hỏi lớn. Các tập đoàn công nghệ đã kịp thời hỗ trợ bằng những phần mềm miễn phí cho hàng triệu con người. Hạ tầng Công nghệ thông tin ở Việt Nam trong một thời gian ngắn đã kịp phát triển để kịp thời đáp ứng yêu cầu giáo dục. Giải quyết được bài toán này, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt nam đã bước đầu chiến thắng dịch bệnh và xây dựng được một quy trình ổn định cho việc dạy và học.
Phần thách thức lớn nhất là trình độ sử dụng công nghệ và việc thích nghi với phương pháp giảng dạy và học tập trực tuyến lâu dài. Đối với các thầy cô giáo bậc phổ thông, sự chuyển đổi thường đòi hỏi một quá trình thì nay hầu như tất cả các trường phổ thông phải chuyển sang dạy trực tuyến trong một khoảng thời gian rất ngắn. Bài toán lớn nhất là làm thế nào để trang bị đủ các loại thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu dạy và học của học sinh. Một lần nữa, toàn xã hội cùng vào cuộc. Những học sinh nghèo được hỗ trợ máy tính bảng và thiết bị kết nối từ xa… Các thầy cô giáo phải thích nghi với việc soạn giáo án trực tuyến, học sinh bắt đầu quen với giao tiếp qua thiết bị. Các bậc phụ huynh đã tự nâng cao trình độ tin học để cùng con học tập.
Một xã hội học tập có bước xoay chuyển mới. Không còn là giải pháp tình thế nữa, giờ đây, dạy và học trực tuyến đã thực sự trở thành một phương pháp giáo dục mới. Nhiều tiêu chí giảng dạy được áp dụng với thầy cô giáo. Đồng thời cũng đã có nhiều tiêu chí đánh giá việc học và kết quả học tập của học sinh sinh viên được áp dụng đại trà và trở nên phổ biến.
Đến bây giờ, khi dịch bệnh Covid đã bước sang năm thứ ba với những diễn biến vô cùng phức tạp và nhiều giải pháp thích ứng với sự biến đổi của dịch bệnh thì vấn đề dạy và học trực tuyến vẫn còn đang tiếp tục đặt ra những
bài toán cần có những lời giải chính xác và linh hoạt.
Học sinh Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) học online.
Những dự đoán tương lai và những thách thức mới
Một người mẹ có hai con đang hàng ngày học trực tuyến tâm sự:
- Sau nỗi lo về việc mua thiết bị tốn kém hàng chục triệu đồng thì còn có quá nhiều mối lo khi các con ngồi vào bàn học. Liệu có tiếp thu bài hiệu quả không? Có hiểu bài không? Giao tiếp với các bạn gián tiếp thế này liệu có ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển nhân cách hay không? Ảnh hưởng thế nào? Con có trở thành người máy không? Rồi khi lên mạng thiếu sự giám sát của cha mẹ và thầy cô mà các con tò mò truy cập các trang thông tin và tiếp xúc với thông tin xấu thì sao? Mỗi lứa tuổi học sinh cần có những phương pháp giáo dục riêng, liệu dạy trực tuyến thì thầy cô có đáp ứng được các con đang độ tuổi hiếu động này không? Trường sư phạm chắc chắn là chưa cập nhật những kiến thức và kỹ năng này cho các thầy cô chứ? Nếu tự mày mò để dạy các con thì mỗi thầy cô lại có một cách giao tiếp và có phương pháp quản lý lớp học, có cách ứng xử với học sinh mỗi kiểu khác nhau, làm sao để con không bị hụt hẫng?…
Thực sự thì tôi còn chưa ghi lại hết được những nỗi lo của các bậc phụ huynh đối với con em mình qua những câu hỏi đặt ra. Khi ngồi viết những dòng này thì dịch bệnh covid-19 và những mối nguy cơ vẫn còn đang rình rập. Những tin vui về sự suy yếu của các chủng virut đan xem với tin buồn về sự phát sinh những chủng mới nguy hiểm. Những tin vui về việc con người đã phát minh ra những loại thuốc, loại vacxin nhằm vô hiệu hóa virut… vẫn hàng ngày dội đến. Nhưng có một sự thật là con em của chúng ta vẫn hàng ngày ngồi bên máy tính, điện thoại để tiếp thu những bài học từ thầy cô. Những người lo xa như người mẹ trẻ mà tôi vừa kể có lẽ vẫn còn đặt ra hàng loạt những câu hỏi lớn nữa. Những câu hỏi không chỉ thách thức các bậc phụ huynh mà đó cũng là những câu hỏi thách thức các thầy cô giáo và toàn xã hội.
Nhưng rõ ràng, với sự thích nghi và cách nhận thức mới về dịch bệnh và học trực tuyến, chúng ta đang chuyển từ thế bị động sang chủ động. Dịch bệnh trên thực tế đã không thể ngăn cản được sự khát khao tri thức và sự sáng tạo và thích ứng của loài người. Riêng với người Việt Nam thì đó là những trải nghiệm vượt qua trong từng gia đình, từng nhà trường, từng thầy cô giáo trong suốt hai năm vừa qua với một niềm tin mãnh liệt là chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Một thế hệ mới cũng đang dần thích nghi và hòa nhập với thế giới của công nghệ mới. Tôi chợt nhớ một câu châm ngôn nói rằng: Một khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có những cánh cửa khác mở ra. Tôi tin rằng, một thế hệ mới sẽ sớm chủ động thích nghi với môi trường học tập mới như người Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đã coi học trực tuyến là một phương pháp học tập trong điều kiện mới.
Một năm mới đang đến và những hy vọng mới về một tương lai tươi sáng của việc dạy và học trực tuyến cũng đang bắt đầu từ những bài học hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết