Du lịch âm nhạc có thể hiểu là mô hình kết hợp giữa du lịch dã ngoại và âm nhạc, trong đó trọng tâm là thưởng thức chương trình âm nhạc chủ yếu diễn ra ở không gian ngoài trời. Việc kéo du khách tới điểm đến du lịch thông qua những buổi hòa nhạc hay lễ hội âm nhạc chất lượng thực ra đã khá quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới.
Song tại Việt Nam, đây là sản phẩm du lịch khá mới mẻ vừa nổi lên trong những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, khi nhu cầu được giải trí để tìm lại sự cân bằng về đời sống tinh thần của người dân tăng cao.
Thay vì dõi theo những chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng trên sân khấu trong không gian gói gọn của bốn bức tường đã trở nên quá quen thuộc, du lịch âm nhạc đưa người yêu âm nhạc đến với bầu không khí thoáng rộng, phóng khoáng của thiên nhiên bao la để hòa theo những giai điệu âm nhạc trong cảm xúc vừa gần gũi vừa thăng hoa, vừa tự do vừa lãng mạn... Đó chính là sức hút riêng khiến du lịch âm nhạc đang trở thành xu hướng độc đáo được nhiều du khách lựa chọn.
Nói về những điểm đến “hot” nhất của du lịch âm nhạc thời gian qua không thể không nhắc đến Đà Lạt-địa điểm diễn ra hàng loạt show diễn đình đám của nhiều ngôi sao âm nhạc như: Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Văn Mai Hương, Đông Nhi, Hòa Minzy…
Đặc biệt, những không gian như Mây Lang Thang hay Lululola tại Đà Lạt-nơi sở hữu những sân khấu nằm giữa thiên nhiên có góc view tuyệt đẹp đã trở thành những “địa chỉ” âm nhạc thường xuyên sáng đèn với sự góp mặt của nhiều giọng ca nổi tiếng. Đây là lý do khiến lượng du khách đổ về Đà Lạt gần đây dịp cuối tuần để vừa nghỉ dưỡng, vừa thưởng thức âm nhạc tăng đáng kể, ngay cả khi không vào mùa cao điểm du lịch.
Theo thống kê của ngành du lịch Đà Lạt, mỗi show biểu diễn của các ca sĩ diễn ra tại thành phố sương mù luôn thu hút ít nhất 500-700 du khách, và con số này tăng lên gấp nhiều lần đối với những ca sĩ thần tượng. Đơn cử, chỉ riêng hai đêm diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn đã mang đến cho thành phố khoảng 10.000 du khách, liveshow của Mỹ Tâm hay Lệ Quyên cũng thu hút vài nghìn khách mỗi buổi.
Điều này đủ cho thấy sức nóng và tiềm năng phát triển của du lịch âm nhạc. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài, Đà Lạt là điểm đến đẹp quanh năm. Thời gian từ bốn, năm giờ chiều đến bảy giờ tối, khi hoàng hôn buông xuống, sương giăng khắp nơi mang đến cho thành phố vẻ đẹp cực kỳ lãng mạn, phiêu linh.
Việc được nghe thần tượng của mình hát trong không gian mở ấy khiến hành trình du lịch của du khách trở nên ấn tượng và giàu ý nghĩa, nhất là ở khía cạnh tinh thần. Và kèm theo đó, là việc du khách sử dụng nhiều tiện ích liên quan: từ vé máy bay đến các dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê, mua sắm, thậm chí cả dịch vụ làm đẹp. Vì thế, đây là sản phẩm du lịch mới và hiệu quả đang được thành phố đẩy mạnh.
Cùng với Đà Lạt, một số điểm đến khác trên cả nước cũng đã bước đầu tạo được dấu ấn với mô hình du lịch âm nhạc, tiêu biểu như chuỗi chương trình “Soul of forest” được tổ chức tại Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc, nơi du khách vừa được thưởng thức nghệ thuật trong không gian mơ mộng của rừng thông vừa được nghỉ dưỡng ở những căn phòng thơ mộng trên đồi hoặc bên hồ; hay “Thung lũng ngân nga” ở Le Champ Tú Lệ (Yên Bái), nơi du khách được chìm đắm cùng âm nhạc trong sắc vàng rực rỡ của trùng trùng, điệp điệp những thửa ruộng bậc thang; “Đêm nhạc trên không” ở Hạ Long, Quảng Ninh với trải nghiệm hòa mình cùng âm nhạc và thưởng thức góc view ôm trọn thành phố biển…
Theo các nhà tổ chức sản xuất, đối với du lịch âm nhạc, điều du khách kỳ vọng không phải sự hoành tráng, quy mô của sân khấu sự kiện mà chủ yếu là trải nghiệm sự khác biệt khi được nghe nhạc, giao lưu cùng thần tượng nghệ thuật của mình trong không gian khoáng đạt của thiên nhiên, tận hưởng cảm giác tự do phiêu bồng cùng âm nhạc.
Từ kinh nghiệm quản lý mô hình du lịch âm nhạc trên địa bàn, ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ: Về mặt quản lý nhà nước, Sở luôn yêu cầu các cơ quan chuyên môn tuân thủ tuyệt đối Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để các sự kiện bảo đảm diễn ra đúng theo hồ sơ đã được chấp thuận với các phương án về phòng, chống dịch, phòng, chống cháy nổ. Đến nay, chưa có trường hợp vi phạm đáng tiếc nào diễn ra ở Đà Lạt. Các nghệ sĩ và đơn vị tổ chức cũng rất ý thức về việc bảo đảm văn hóa pháp luật trong hoạt động âm nhạc.
Ông Trần Thanh Hoài cho biết thêm: Các chương trình biểu diễn hiện nay chủ yếu diễn ra ở các resort, khu du lịch giàu cảnh quan. Phần lớn sân khấu được lắp ráp trên các mặt bằng tự nhiên, không tác động đến cảnh quan kiến trúc hay phá vỡ môi trường. Sở luôn cố gắng rút ngắn những thủ tục hành chính để làm sao cấp phép nhanh nhất trong điều kiện có thể. Những nỗ lực phát triển mô hình du lịch âm nhạc hy vọng sẽ góp phần nhanh chóng đưa Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc…
Gửi phản hồi
In bài viết